(HNM) - Trong hai ngày 5 và 6-6, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã xảy ra vụ cháy rừng lớn nhất trong khoảng chục năm trở lại đây làm thiệt hại 50ha rừng, hàng trăm héc ta khác bị ảnh hưởng. Điều đáng nói là công tác chữa cháy tại hiện trường gặp nhiều khó khăn, bộc lộ những bất cập cần sớm khắc phục, nhất là khi vào mùa nắng nóng, hanh khô.
Lực lượng cứu hỏa gặp không ít khó khăn khi tiếp cận hiện trường chữa cháy. Ảnh: Việt Hùng |
Nhiều héc ta rừng bị cháy và ảnh hưởng
Theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, vị trí cháy bắt đầu tại chân lô 4, khoảnh 7, thuộc Đội sản xuất Hồng Kỳ, địa giới hành chính thuộc xã Nam Sơn (là rừng phòng hộ bảo vệ môi trường do Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội quản lý), sau đó lan rộng ra 13 lô khác và sang cả khu vực các xã lân cận. UBND huyện Sóc Sơn đã phải huy động khoảng 2.000 người cùng 5 xe cứu thương, 5 xe chữa cháy, 2 xe chở téc nước, 42 ô tô các loại, 34 máy thổi gió, 15 chiếc cưa, máy cắt thực bì… tham gia chữa cháy.
Đến 1h30 ngày 6-6, lực lượng chức năng đã khống chế được đám cháy, nhưng đến 3h cùng ngày xuất hiện 3 điểm bị cháy lại.
Lực lượng chức năng vẫn túc trực tại hiện trường nên đã kịp thời khống chế, không để các điểm tái cháy lan rộng. Theo Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, năm nào khu vực này cũng xảy ra cháy rừng nhưng chưa khi nào cháy lớn như vậy. Theo thống kê ban đầu, có khoảng trên 50ha rừng bị cháy, số diện tích rừng bị cháy và ảnh hưởng khoảng 100ha.
Nguy cơ cháy rừng vẫn cao
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, mặc dù không có thiệt hại về người, nhưng vụ cháy rừng đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác chữa cháy rừng trên địa bàn, đó là khi phát hiện cháy rừng, lực lượng chức năng rất khó tiếp cận hiện trường, nhiều điểm xe chữa cháy không thể tiếp cận đám cháy. Nguyên nhân do rừng ở đây không có đường băng trắng phòng cháy rừng. Công tác chữa cháy rất thô sơ, thiết bị chuyên dụng không đủ khống chế một đám cháy lớn...
Ngoài khó khăn trong công tác chữa cháy rừng, việc phòng chống cháy cũng như quản lý rừng trên địa bàn cũng bộc lộ nhiều bất cập. Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết: Hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội đang quản lý và bảo vệ rừng tại 8 xã của huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, do đất thổ cư, ruộng vườn và nương rẫy của người dân nằm liền kề, xen kẽ trong rừng phòng hộ nên khó quản lý việc đi lại, làm ăn sinh sống của người dân quanh khu vực rừng phòng hộ, nguy cơ cháy rừng vẫn cao. Để bảo vệ rừng, hạn chế những vụ cháy do con người gây ra, về lâu dài huyện Sóc Sơn cần di dời các hộ dân ra khỏi khu vực rừng phòng hộ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh thì kiến nghị thành phố sớm hỗ trợ thi công đường băng trắng phòng cháy rừng để thuận lợi cho phương tiện lưu thông khi tham gia chữa cháy và phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng. Hằng năm, hỗ trợ địa phương làm đường hạ cấp thực bì giảm vật liệu cháy để ngăn cháy lan rộng; hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy, tăng cường diễn tập chữa cháy rừng cho các lực lượng chức năng...
Đánh giá cao tinh thần vào cuộc trách nhiệm của các lực lượng trong việc tham gia chữa cháy rừng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu yêu cầu Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn rà soát, thống kê diện tích rừng bị cháy để có phương án hỗ trợ, khắc phục hậu quả. Phó Chủ tịch Thường trực cũng nhất trí với các kiến nghị của huyện Sóc Sơn, đồng thời nhận định, thời gian tới, nắng nóng còn diễn biến phức tạp, do vậy, huyện Sóc Sơn và các lực lượng bảo vệ rừng không được lơ là, chủ quan mà tiếp tục có biện pháp bảo vệ, phòng chống cháy rừng hiệu quả hơn. Ngoài việc tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng, lực lượng chức năng phải tiến hành rà soát, kiểm tra, phát hiện các điểm xung yếu dễ cháy để có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.