(HNMO) - Bão Conson đã vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 5 trong năm 2021. Sáng nay 9-9, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai tiếp tục họp trực tuyến với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan để triển khai ứng phó...
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm thông tin, đêm 8-9, bão Conson đã vào Biển Đông với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Do ngoài khơi Thái Bình Dương đang tồn tại một cơn bão khác có tên là Chanthu tương tác với bão số 5 nên bão số 5 có xu hướng di chuyển chậm lại. Khoảng ngày 11 và 12-9, bão số 5 hoạt động chủ yếu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13, sau đó tiếp tục di chuyển chậm về phía đất liền nước ta.
Ứng phó bão số 5, Bộ đội Biên phòng phối hợp các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định, tính đến 6h sáng nay, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 71.500 tàu, thuyền với 349.088 lao động đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, chủ động vào nơi tránh, trú an toàn...
Các tỉnh miền núi phía Bắc đã rà soát phương án, dự kiến sơ tán 154.396 người dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và 143.392 dân tại khu vực ven sông và ngoài đê; chỉ đạo 148.979 người thuộc lực lượng xung kích cơ sở sẵn sàng rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở và khu vực ven sông, suối, khơi thông dòng chảy để phòng tránh lũ ống, lũ quét. Các tỉnh, thành phố vùng ven biển và đồng bằng dự kiến sơ tán 231.096 người dân sinh sống ở khu vực ven biển và 237.393 người dân ở khu vực ven sông và ngoài đê...
Tuy nhiên thực tế hiện nay, trên các vùng biển ảnh hưởng của bão số 5 vẫn còn 497 tàu, thuyền với 4.104 lao động thuộc 6 tỉnh: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Trị, Khánh Hòa. Một số địa phương nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão, như: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Hơn nữa, Bộ Y tế hiện chưa có hướng dẫn về việc sơ tán dân để ứng phó mưa lũ, bão trong tình hình dịch Covid-19...
Kết luận cuộc họp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị, các địa phương bằng mọi biện pháp phải kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh bão, tuyệt đối không để lặp lại thiệt hại như trong bão số 9 năm 2020 (2 tàu với 23 thuyền viên mất tích do chủ quan, chậm di chuyển vào nơi trú tránh)... Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn các địa phương bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong công tác sơ tán dân từ khu vực ảnh hưởng thiên tai đến nơi an toàn... Các địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19; trong đó, tập trung thực hiện phương châm "4 tại chỗ", thông điệp "5K" và tiêm vắc xin...
Ngày 9-9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến sáng nay, dung tích phòng lũ của các nhà máy thủy điện khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ rất cao, ở mức 9,3 tỷ mét khối nước.
Trong đó, khu vực Tây Bắc, với các nhà máy thủy điện lớn như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Huội Quảng, Bản Chát có dung tích phòng lũ 7,5 tỷ mét khối.
Hiện, các nhà máy thủy điện đang vận hành theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa và đơn hồ chứa được các cơ quan chức năng quy định, hệ thống lưới điện vẫn đang vận hành bình thường. Các đơn vị đang tăng cường củng cố, xử lý những khiếm khuyết còn tồn tại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.