Văn hóa

Khẩn trương hoàn thiện đề án bảo tồn, phát huy giá trị Làng cổ Đường Lâm

Nguyễn Thanh 26/10/2023 - 18:48

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu cấp ủy, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền một cách thực chất, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với đời sống nhân dân, nêu bật được những tiềm năng, thế mạnh, qua đó khơi dậy, lan tỏa tình yêu, niềm tự hào về các giá trị văn hóa đặc trưng, nổi bật của địa phương.

Ngày 26-10, Đoàn giám sát số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn làm trưởng đoàn, đã triển khai giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” (Chương trình 06) và Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (Nghị quyết 09) tại thị xã Sơn Tây.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

img_8638.jpeg
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi giám sát.

Thời gian qua, Thị ủy Sơn Tây đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong các cấp ủy Đảng, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tại địa phương, trong đó xác định phát triển công nghiệp văn hóa là một ưu tiên quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững thị xã nói riêng và Thủ đô nói chung.

Cụ thể, Thị ủy Sơn Tây đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09, với định hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng như: Du lịch văn hóa, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, quảng cáo, thời trang...; đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua hội nghị, hội thi, hội thảo, tập huấn, liên hoan, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm…; chú trọng công tác quy hoạch, tu bổ, tôn tạo di tích cũng như triển khai các hoạt động quảng bá, tôn vinh di sản gắn với du lịch, tiêu biểu là: Điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích Làng cổ Đường Lâm, nâng cấp lễ giỗ vua Phùng Hưng, vua Ngô Quyền, tổ chức năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài, xây dựng thành công tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, triển khai các dự án bảo tồn và phục hồi giống gà Mía, chè Cam Lâm, tương và bánh kẹo truyền thống…

Về thực hiện các nhiệm vụ tại Chương trình 06, thị xã Sơn Tây tích cực triển khai các mô hình phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và 2 quy tắc ứng xử của thành phố, đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn thị xã hiện có 96% gia đình và 100% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Với nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thị xã đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, bảo đảm công tác dạy và học, nhất là việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Kết quả thực hiện tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 36/46 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 79,56%. Tỷ lệ giải quyết việc làm 8 tháng năm 2023 đạt 106,9% kế hoạch; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 100% kế hoạch…

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, thị xã Sơn Tây đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác triển khai thực hiện Chương trình 06 và Nghị quyết 09, thể hiện qua những kết quả trong thời gian qua, đồng thời đã chỉ ra được những khó khăn, hạn chế cùng các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới nhằm đưa các chỉ tiêu, kế hoạch, đề án về đích đúng hạn.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu cấp ủy, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền một cách thực chất, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với đời sống nhân dân, nêu bật được những tiềm năng, thế mạnh, qua đó khơi dậy, lan tỏa tình yêu, niềm tự hào về các giá trị văn hóa đặc trưng, nổi bật của địa phương.

Bên cạnh đó, cần phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế…, như vấn đề về thiết chế văn hóa, quy hoạch…; đề xuất giải pháp căn cơ, bài bản để sớm hoàn thành nhiệm vụ. Chẳng hạn, cần khẩn trương hoàn thiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm gắn với các di tích trên địa bàn.

Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh, Sơn Tây cần tổ chức thực hiện một cách có hệ thống, thực chất gắn với kiểm tra, giám sát, đánh giá để kịp thời khen thưởng nơi làm tốt, cũng như phê bình những sai phạm (nếu có); chú trọng công tác xã hội hóa để thực hiện các nhiệm vụ văn hóa nói chung, phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương hoàn thiện đề án bảo tồn, phát huy giá trị Làng cổ Đường Lâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.