Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khám phá tam giác quỷ Bermuda

Nhật Vy| 01/03/2010 10:37

Tam giác Bermuda, còn gọi là Tam giác Quỷ, là một vùng biển nằm về phía tây Đại Tây Dương và đã trở thành nổi tiếng nhờ vào nhiều vụ việc bí ẩn.


Được biết, rất nhiều tàu thủy, máy bay hay thủy thủ đoàn được cho là biến mất không có dấu tích tại đây.

Vùng biển bao la giữa Florida, Puerto Rico và quần đảo Bermuda được gọi là Tam giác quỷ. Ảnh AP.


Vùng biển bao la giữa Florida, Puerto Rico và quần đảo Bermuda được cho là một trong những khu vực nổi tiếng nhất thế giới về những hiện tượng không bình thường.


Từ hơn một thế kỷ nay nhiều truyền thuyết và luận đề khác thường đã cố gắng giải thích việc tàu thủy và máy bay mất tích một cách bí ẩn.

Dường như các biến cố này hay xảy ra trong cái được gọi là tam giác quỷ. Số phận của "chuyến bay 19" trong tháng 12 năm 1945 là một trong những biến cố đó và là sự kiện nổi tiếng nhất và gây náo động dư luận nhiều nhất. Trong những năm sau đó thống kê các mất mát kỳ lạ tăng rõ rệt, các thông báo về máy bay mất tích được đưa ra gần như liên tục: năm 1947 chiếc máy bay "Superfort" không trở về sân bay xuất phát. Chiếc C-54 Skymaster và đội bay được nghe thấy lần cuối cùng khi cách Bermuda 100 dặm, sau đấy liên lạc vô tuyến bị cắt đứt. Năm 1948 chiếc "Star Tiger" của Anh biến mất trên bầu trời một cách không giải thích được. Cũng trong cùng năm đấy tín hiệu radar của một chiếc máy bay hành khách biến mất. Chiếc DC-3 đang trên đường bay từ Puerto Rico đến Maimi. Danh sách khủng khiếp này được nối tiếp một cách tương tự như vậy: năm 1949 chiếc "Star Ariel" biến mất khi cách Bermuda 380 dặm về phía Tây-Nam, năm 1950 một chiếc máy bay kiểu Globemaster ở tận cùng phía Bắc của tam giác và năm 1952 là một chiếc máy bay Anh trên đường đi đến Jamaica.

Khái niệm "tam giác Bermuda" xuất phát từ Vincent Gaddis vào năm 1964 và không bao lâu sau đó đã trở thành huyền thoại.

Một số khoa học gia về địa chất từ Nhật, Đức và Mỹ đã tìm thấy trữ lượng khí methane rất lớn trong vùng tam giác Bermuda (vì dưới đó có một mỏ than đã bị chìm từ lâu nên khí methane mới có thể bốc lên), có thể là nguyên nhân cho việc tàu thủy biến mất không dấu vết.

Trong độ sâu từ 500 đến 2.000m băng methane (methane hydrate) có thể hình thành khi methane hiện diện và nhiệt độ cho phép. Nếu áp suất và nhiệt độ thay đổi theo thời gian, khí methane sẽ dần dần thoát ra khỏi các tảng giống như băng này. Khi có thay đổi đột ngột, thí dụ như vì có động đất dưới đáy biển hay chuyển dịch trong kiến tạo mảng, một phần lớn của băng methane này có thể bị phân rã ra thành các thành phần cấu tạo (nước và methane). Methane dạng khí nổi lên trong bọt khí và làm giảm tỷ trọng của nước. Lực đẩy của tàu thủy và tàu ngầm giảm đi nhanh chóng và mạnh đến mức chúng chìm xuống mặt nước hoặc xuống đến tận đáy biển. Hiện tượng này được gọi là phụt khí.

Ngoài ra còn hình thành điện tích trong khi bọt khí nổi lên do có ma sát với nước mà qua sự chuyển động tạo nên một dòng điện và qua đó là một từ trường giải thích cho việc những thiết bị và dụng cụ từ và điện không hoạt động được nữa.

Một lý thuyết khác dẫn xuất từ tác động của sóng điện từ đến các dụng cụ hàng hải mà qua đó bị mất chức năng của chúng làm cho việc định hướng trở nên rất khó khăn cho thuyền trưởng hay phi công trong điều kiện thời tiết xấu. Thế nhưng phản bác lại điều này là cho đến nay người ta không thể đo đạc được những gì bất thường tương ứng trong khu vực đó và điều này cũng chỉ có thể giải thích được cho những tai nạn trong thời gian gần đây.

Tùy theo quan điểm mà người ta sẽ tìm thấy những lập luận có tính thuyết phục nhiều hay ít ủng hộ hay chống lại việc cho rằng có hiện tượng không giải thích được tác động ở đây.

Dẫu sao thì cho đến nay tất cả các biến cố trong tam giác Bermuda vẫn chưa được giải thích hoàn toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khám phá tam giác quỷ Bermuda

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.