(HNM) - Trong những năm qua, du lịch mạo hiểm được nhiều tỉnh, thành phố chú trọng phát triển, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn. Tuy nhiên, dù được đánh giá là có nhiều lợi thế để phát triển dòng sản phẩm này, song du lịch mạo hiểm ở Việt Nam vẫn chưa phát huy, khai thác được hết tiềm năng...
Xu hướng phát triển
Tại hội thảo trực tuyến “Phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm vùng Đông Bắc” diễn ra vào cuối tháng 9-2021, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, du lịch mạo hiểm là xu hướng phát triển, ngày càng được ưa chuộng trên thế giới và thu hút nhiều du khách khám phá, trải nghiệm. Với lợi thế nhiều đồi núi, hang động, sông suối, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch mạo hiểm.
Có thể chia thành các nhóm sản phẩm về du lịch mạo hiểm: Du lịch mạo hiểm trên không (du lịch bằng máy bay trực thăng, dù lượn, nhảy dù…); nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm trên bộ (du lịch dã ngoại, leo núi, đi bộ, đi thăng bằng trên dây…); du lịch mạo hiểm dưới nước (chèo thuyền, khám phá thác nước, lặn…).
Thực tế, nhiều năm qua, du lịch mạo hiểm là dòng sản phẩm du lịch mang tính “độc, lạ”, được nhiều đơn vị du lịch khai thác. Nhiều tỉnh, thành phố, như: Hà Giang, Bắc Kạn, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ninh, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Nội… đã có chiến lược đẩy mạnh khai thác các tour du lịch mạo hiểm. Điển hình là vùng Đông - Tây Bắc có rất nhiều sản phẩm được khai thác, như: Chinh phục đỉnh Fansipan (tỉnh Lào Cai), Bạch Mộc Lương Tử (tỉnh Lai Châu), đỉnh núi Tây Côn Lĩnh (tỉnh Hà Giang), thác Bản Giốc (tỉnh Cao Bằng), khám phá hang động ở Vườn quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn). Ở khu vực miền Trung, du lịch mạo hiểm nổi bật với các sản phẩm khám phá hang động ở tỉnh Quảng Bình, chinh phục đỉnh Pu xai lai leng (tỉnh Nghệ An). Tại Hà Nội, Ban Quản lý Vườn quốc gia Ba Vì đã triển khai tour leo núi, khám phá Vườn quốc gia từ nhiều năm nay.
Là đơn vị lữ hành có thế mạnh về du lịch mạo hiểm và đang xây dựng sản phẩm caravan kết hợp trekking (đi bộ đường dài, leo núi), Giám đốc Công ty Du lịch Fivestar Lương Duy Doanh cho biết, tour du lịch mạo hiểm chỉ có thể tổ chức cho đoàn từ 30 người trở xuống, phù hợp với yêu cầu phòng dịch. Vì thế, những tour du lịch mạo hiểm sẽ là sản phẩm an toàn, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Kạn, Giám đốc Công ty Du lịch Mr Linh’s Adventures Nguyễn Tuấn Linh cho rằng, du lịch mạo hiểm đang mở ra cơ hội cho các địa phương, nhất là khu vực miền núi. Đây là dòng sản phẩm có khả năng thu hút khách lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều.
Cần có cơ chế, chính sách đặc thù
Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, song du lịch mạo hiểm tại Việt Nam chưa được nhiều người biết đến. Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Trương Sỹ Vinh, trong phát triển du lịch mạo hiểm còn có hạn chế về công tác tổ chức, cơ sở hạ tầng tại các địa phương. Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa địa phương và doanh nghiệp du lịch chưa cao, dẫn đến việc khai thác còn manh mún, thiếu nhất quán.
Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, để sản phẩm du lịch mạo hiểm phát triển tương xứng với tiềm năng, các địa phương cần có cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Mỗi địa phương cần xây dựng một sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp, đơn điệu.
Về phía doanh nghiệp lữ hành, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và sự kiện Vplus Việt Nam Nguyễn Đức Anh cho rằng, cần tăng cường phối hợp giữa các ngành và địa phương trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên du lịch. Các địa phương cần phối hợp với những đơn vị lữ hành uy tín để khảo sát, xây dựng sản phẩm, thực hiện bộ tiêu chí an toàn cho du khách.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty Du lịch Fivestar Lương Duy Doanh cho hay, để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch mạo hiểm, ngoài việc đầu tư về hạ tầng, các địa phương cần chú trọng công tác đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm đến, nâng cao kỹ năng, trình độ của những hướng dẫn viên bản địa giúp họ đáp ứng được yêu cầu đặt ra. “Để phát triển du lịch mạo hiểm, bảo đảm an toàn cho du khách, đơn vị tổ chức cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong việc tư vấn về sức khỏe, bảo hiểm; trang bị đầy đủ vật dụng thiết yếu và cảnh báo về rủi ro cho du khách”, ông Lương Duy Doanh nói.
Du lịch mạo hiểm đang được chú trọng khai thác nhằm mang lại lợi ích cho các địa phương, đơn vị tổ chức. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, để loại hình này phát triển, hấp dẫn du khách, các địa phương cần có chiến lược dài hạn trong việc kêu gọi đầu tư, xây dựng tiêu chuẩn bảo đảm an toàn cho du khách cũng như bảo vệ môi trường sinh thái.
"Tới đây, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức các đoàn khảo sát ở khu vực Ba Vì để xây dựng thêm sản phẩm du lịch mạo hiểm, nhằm tăng sức hấp dẫn cho du lịch Thủ đô", ông Trần Trung Hiếu thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.