Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai thác ''mỏ vàng'' du lịch ngoại thành

Hoàng Lân| 23/04/2021 06:18

(HNM) - Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều di tích, làng cổ, đặc biệt với hơn 1.300 làng nghề..., khu vực ngoại thành Thủ đô Hà Nội sở hữu nhiều thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch. Mặc dù thành phố đã có chiến lược đẩy mạnh phát triển du lịch ngoại thành, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của Thủ đô nhưng đến nay "mỏ vàng" này vẫn chưa được khai thác, phát huy hết tiềm năng.

Du khách trải nghiệm làm gốm tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều lợi thế phát triển du lịch

Hà Nội có 18 huyện, thị xã ở khu vực ngoại thành, trong đó mỗi địa phương đều có những tiềm năng, lợi thế riêng cho khai thác du lịch.

Nằm ở phía Tây Bắc thành phố, huyện Ba Vì có nhiều dân tộc sinh sống với phong cảnh sơn thủy hữu tình, cùng nhiều di tích, nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng, như: Thiên Sơn - Suối Ngà, Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên... Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, huyện đã có kế hoạch phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Mới đây, lễ hội Du lịch Ba Vì 2021 được khai mạc tại Khu du lịch sinh thái Thiên Sơn - Suối Ngà là khởi đầu cho việc đẩy mạnh các hoạt động du lịch của địa phương trong năm 2021, hình thành nhiều sản phẩm mới cho du khách trải nghiệm như: Chợ phiên Mường - Dao; lễ hội hoa lan...

Cũng trong khuôn khổ Lễ hội Du lịch và văn hóa ẩm thực Hà Nội 2021 vừa diễn ra, huyện Đan Phượng đón nhận quyết định công nhận hai điểm du lịch cấp thành phố là xã Hạ Mỗ và khu sinh thái Đan Phượng, góp phần tạo thêm những điểm đến du lịch mới cho du khách. Ngoài ra, Đan Phượng cũng là vùng đất nhiều tiềm năng với 150 di tích, nhiều di sản văn hóa phi vật thể, như: Hát chèo Tàu ở xã Tân Hội; ca trù ở xã Thượng Mỗ… và có thế mạnh về nông nghiệp, có thể kết hợp để phát triển du lịch sinh thái.

Không chỉ có hai huyện nói trên, các huyện, thị xã khác của Hà Nội cũng có thế mạnh riêng để tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn. Về giá trị văn hóa, lịch sử, Hà Nội có những điểm đến tiêu biểu, như: Thành cổ Sơn Tây, đền Và, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); đền thờ Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín); làng cổ Cự Đà, làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai)... Ngoài ra, ngoại thành Hà Nội cũng có nhiều làng nghề nổi tiếng. Có thể kể đến: Làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động (huyện Thường Tín), tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên)...

Đánh giá tiềm năng du lịch khu vực ngoại thành, tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, khu vực ngoại thành Hà Nội nhiều tiềm năng về du lịch văn hóa lịch sử, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch hội thảo - hội nghị... cần được phát huy.

Du khách tham quan làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Hoàng Quyên

Xây dựng sản phẩm mới, tăng kết nối

Mặc dù được xem là "mỏ vàng" của du lịch Thủ đô nhưng hiện nay du lịch ngoại thành vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lượng khách du lịch còn thấp.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải thừa nhận, việc phát triển du lịch ở Đan Phượng vẫn gặp nhiều khó khăn, do chưa có sản phẩm đặc trưng và chưa có sự kết nối các điểm đến giữa nội thành và ngoại thành. Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho rằng, tiềm năng du lịch của Ba Vì rất lớn nhưng việc thiếu liên kết với các đơn vị lữ hành cùng những khó khăn trong việc đầu tư hạ tầng giao thông khiến cho những điểm đến đẹp của Ba Vì còn là “khoảng cách” với ngay cả người dân địa phương.

Để phát huy các tiềm năng dồi dào của vùng ven đô Hà Nội, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ, điều cần thiết là các địa phương cần quy hoạch, phân tích rõ tiềm năng, đẩy mạnh phát triển những sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng, đồng thời xác định rõ đối tượng du khách để có kế hoạch phát triển sản phẩm.

Ở góc độ lữ hành, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, các địa phương cần tăng cường sự hợp tác, liên kết với các đơn vị lữ hành trong việc tạo các tour, tuyến du lịch kết nối các điểm đến. Trong khi đó, theo Giám đốc Công ty Du lịch Ánh Dương Tour Nguyễn Tuấn Anh, các địa phương cần tăng cường khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức, trong đó nên tận dụng việc tuyên truyền trên mạng xã hội như Facebook, Zalo; tạo thêm các không gian để người dân chụp ảnh "check-in"...

Hiện nay, việc phát triển du lịch ngoại thành Hà Nội đang được thành phố đặc biệt quan tâm, xem là chiến lược nhằm thu hút khách, trước mắt là khách nội địa, tiếp đến là chuẩn bị các sản phẩm mới để đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong việc quảng bá cũng như khảo sát điểm đến để xây dựng sản phẩm. Tới đây, Sở sẽ tổ chức các đoàn khảo sát du lịch để tăng hiệu quả trong việc xây dựng sản phẩm mới, kết nối các đơn vị lữ hành với địa phương trong việc đưa, đón khách, nâng cao hiệu quả phát triển du lịch tại khu vực ngoại thành...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khai thác ''mỏ vàng'' du lịch ngoại thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.