(HNM) - “Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch” là một trong 6 nhóm sản phẩm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có 2 sản phẩm tham gia OCOP trong nhóm này. Sản phẩm OCOP về du lịch là một trong những định hướng quan trọng để các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch nông thôn một cách bài bản hơn.
Hai sản phẩm OCOP du lịch
Khi đến với xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) - nơi có truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung - du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại: Khu sản xuất, chế biến, đóng gói các loại trà thảo mộc như chùm ngây, kim ngân hoa; thăm khu ngâm ủ hơn 100 loại rượu quê với các loại thảo mộc; thăm mô hình trồng trọt, thu hái nông sản theo mùa, chụp ảnh tại các vườn hoa, cây cảnh với dáng thế độc đáo... Vào dịp lễ Tết, Hồng Vân còn có thêm hoạt động hấp dẫn khác như: Lễ hội tình yêu, lễ hội hoa xuân, lễ hội bánh trôi bánh chay… Ước tính, mỗi năm Hồng Vân đón hơn 20.000 lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt hơn 1 tỷ đồng. Du khách cũng là người tiêu thụ các loại nông sản đặc trưng như cây giống, trà thảo dược của người dân nơi đây.
Tương tự, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, Khu sinh thái Phù Đổng Green Park với quy mô 15,6ha tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm cũng đang hoạt động hiệu quả. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Phù Đổng Xanh Nguyễn Xuân Hùng cho biết, Khu sinh thái Phù Đổng Green Park có các điểm hoạt động, phù hợp với nhiều đối tượng như: Khu giáo dục trải nghiệm dành cho học sinh, khu trải nghiệm sinh thái để tổ chức sự kiện, khu du lịch tâm linh kết nối với các di tích trên địa bàn…
Những ngày cuối năm 2022, Hội đồng đánh giá, phân hạng Chương trình OCOP Hà Nội đã đánh giá Khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park của Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Phù Đổng Xanh và Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân của Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân đủ điều kiện trình Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP thành phố xét, cấp sao cho sản phẩm. Đây là hai chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia trong nhóm “Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch” đầu tiên của Thủ đô.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: "Thành phố hiện có 11 trang trại hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp theo hướng du lịch trải nghiệm, sinh thái. Ngoài chủ đầu tư là người dân, doanh nghiệp, các hợp tác xã cũng đang tham gia tích cực vào mô hình này".
Hiện nay, một số hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành kết hợp với giáo dục trải nghiệm đã thu được kết quả khả quan như: Hợp tác xã Rau hữu cơ Thanh Xuân, Hợp tác xã Rau Đường Lâm, Hợp tác xã Trải nghiệm xã Đồng Tiến, Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân... Ngoài ra còn có các hợp tác xã gắn với làng nghề truyền thống như Làng gốm sứ Bát Tràng; dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ; điêu khắc, mỹ nghệ Sơn Đồng… cũng tạo ra nhiều điểm đến thu hút khách du lịch.
Tiếp tục hỗ trợ để phát huy lợi thế
Nói về sản phẩm OCOP - Điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết: Sản phẩm này của Hồng Vân được đánh giá xếp hạng OCOP là minh chứng cho sự thành công trong việc phát triển Chương trình OCOP của xã. Đây cũng là nỗ lực trong quá trình phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương.
Theo Phó Giám đốc Sở Du Lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, điểm du lịch xã Hồng Vân và Khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park được Hội đồng đánh giá OCOP thành phố phân hạng là điều kiện để các địa phương tuyên truyền, quảng bá tới du khách trong nước và quốc tế. Qua việc xếp sao sản phẩm OCOP, du khách sẽ cảm nhận được chất lượng của sản phẩm và đơn vị phụ trách có trách nhiệm duy trì, nâng cấp các hạng sao. Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tham mưu đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền sản phẩm OCOP về du lịch; đồng thời thúc đẩy công tác đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực nhằm gia tăng chất lượng dịch vụ. Mặt khác, Sở sẽ thúc đẩy việc kết nối giữa các đơn vị lữ hành với điểm đến để xây dựng các tour, tuyến du lịch; phối hợp tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới và mỗi xã một sản phẩm.
Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết: “Các điểm du lịch nông thôn ở Hồng Vân và Phù Đổng vừa đẹp về cảnh quan, vừa giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Khi các sản phẩm du lịch được công nhận OCOP sẽ giúp du khách trong nước, quốc tế biết và đến thăm các miền quê này nhiều hơn, giúp người dân các địa phương phát triển kinh tế tốt hơn…”.
Phát huy thành công từ sản phẩm OCOP về du lịch đầu tiên của Thủ đô, thời gian tới, Hà Nội sẽ hỗ trợ các hợp tác xã, những điểm đến có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và các sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.