Dữ liệu số phản ánh đầy đủ mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội trên môi trường số và là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số thành công.
Đồng thời, dữ liệu số góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.
Phân tích dữ liệu để gia tăng lợi nhuận
Nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã có chiến lược về quản lý, khai thác sử dụng dữ liệu. Đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) thông tin, đơn vị này đã thành lập bộ phận quản trị dữ liệu (Data Governance) xuyên suốt từ tập đoàn xuống các đơn vị. Hội đồng dữ liệu tập đoàn do Phó Tổng Giám đốc đứng đầu, tham mưu xây dựng và thực hiện chiến lược dữ liệu bảo đảm nhất quán với chiến lược phát triển chung của toàn Tập đoàn. Tiếp đó là ban công nghệ thông tin tập đoàn tham mưu, định hướng chiến lược về công nghệ thông tin, trong đó có lĩnh vực quản trị dữ liệu. Các đơn vị cấp dưới đều tổ chức bộ máy bảo đảm đúng và đầy đủ cho các hoạt động quản trị dữ liệu…
Kết quả, bộ phận quản trị dữ liệu đã xác định gần 10.000 dữ liệu trọng yếu; gần 5.000 chỉ tiêu kinh doanh được theo dõi và điều hành tại tất cả các đơn vị, số chỉ tiêu được theo dõi gấp 5 lần so với trước đây; đặc biệt thời gian tổng hợp dữ liệu rút ngắn so với trước đây 10 lần…
Nếu cách làm ở Viettel phản ánh về quy mô chung thì đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, nhiều kết quả cụ thể đạt được trong kinh doanh là nhờ phân tích dữ liệu. Giám đốc Dữ liệu VNPT AI Trần Hữu Cương chỉ rõ, từ các dữ liệu hiện có, VNPT đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu vào dịch vụ giá trị gia tăng. Dựa trên lịch sử tiêu dùng của thuê bao để tạo các mô hình AI giải quyết các vấn đề về dự đoán nhu cầu sử dụng dịch vụ ứng cước di động và dự đoán khả năng trả nợ của thuê bao (user). Kết quả, thuê bao mới tăng 21%; doanh thu tăng 19%; lợi nhuận tăng 33%...
VNPT còn áp dụng hệ thống định vị khách hàng với thuê bao MyTV nhằm nâng cao trải nghiệm cá nhân hóa người dùng. Việc này đem lại động thái tích cực cho một loạt chỉ số: Tỷ lệ nhấp xem nội dung tăng 22%; tỷ lệ thuê bao rời bỏ dịch vụ sau 30 ngày giảm 17% so với trước; tỷ lệ thuê bao quay lại sau 15 ngày tăng 8% so với trước. Việc tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng lên 5% có thể tăng lợi nhuận của doanh nghiệp lên từ 25% đến 95%.
Khai thác hiệu quả phục vụ chuyển đổi số
Khuyến nghị doanh nghiệp sử dụng dữ liệu để chuyển đổi số, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sáng tạo và chuyển đổi số (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) Hoàng Hữu Hạnh cho rằng, có 3 điểm cần lưu ý trước khi bắt đầu. Đó là thiết kế một kiến trúc tích hợp AI, phân tích và khoa học dữ liệu. Cùng với đó, doanh nghiệp cần thực hiện các bước: Tạo lập hệ sinh thái số; xây dựng nền tảng công nghệ cho việc phân tích dữ liệu; lãnh đạo số quyết định dựa trên dữ liệu; xây dựng văn hóa số với việc lấy dữ liệu làm trung tâm; xây dựng khoa học dữ liệu hơn là công nghệ thông tin thuần túy; chiến lược dữ liệu...
Về phía cơ quan quản lý, ông Trần Quốc Tuấn, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá, thời gian qua, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia đã đem lại những kết quả nổi bật. Trong đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối với 15 bộ, ngành, 63/63 địa phương và 4 doanh nghiệp đã tiếp nhận khoảng 1,35 tỷ yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin, đồng bộ thông tin công dân, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính… Nhờ đó, đã tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng. Một loạt cơ sở dữ liệu quốc gia khác, như: Đăng ký doanh nghiệp; bảo hiểm; hộ tịch điện tử toàn quốc; đất đai; tài chính; cán bộ công chức viên chức được đưa vào khai thác đã không chỉ giúp minh bạch thông tin mà còn mang lại vô vàn những giá trị khác cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để khai thác và vận hành hiệu quả, một chiến lược dữ liệu quốc gia là rất cần thiết. Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình dự thảo chiến lược dữ liệu quốc gia và đang trong quá trình lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Chiến lược đề ra một số mục tiêu cơ bản đến năm 2030.
Cụ thể, 100% các trung tâm dữ liệu quốc gia, trung tâm dữ liệu vùng, khu vực, trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao trên cả nước được kết nối thành công. 100% đầu mục dữ liệu trong danh mục các cơ sở dữ liệu quốc gia hoàn thành việc số hóa, cập nhật và đưa vào sử dụng hiệu quả; được kết nối, chia sẻ với kho dữ liệu tổng hợp tại trung tâm dữ liệu quốc gia và kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc…. 100% các bộ, ngành, địa phương ban hành và triển khai danh mục dữ liệu mở, cung cấp dữ liệu mở cho các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp và người dân tra cứu, khai thác sử dụng phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.
Vấn đề bảo đảm an ninh mạng, an toàn dữ liệu cũng có mục tiêu cụ thể: 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành và cơ sở dữ liệu quan trọng của các bộ, ngành, địa phương được bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ và mô hình bảo vệ 4 lớp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.