Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai thác chất liệu truyền thống trong âm nhạc: Tìm những dấu ấn lâu bền

Thụy Du| 03/07/2022 06:17

(HNM) - Thời gian gần đây, giới hoạt động âm nhạc trẻ vẫn đang tích cực khai thác chất liệu âm nhạc dân gian và nghệ thuật truyền thống trong những sản phẩm mới. Tuy là hướng đi đáng khuyến khích, góp phần tạo nên sự sôi động cho đời sống âm nhạc nước nhà, thu hút sự quan tâm của công chúng, song số lượng sáng tác, biểu diễn để lại dấu ấn bền lâu khá ít ỏi…

“Tiếng lượn nhắn người phương xa” - dân ca Tày, Nùng được nghệ sĩ Ngô Hồng Quang hòa âm và chuyển soạn cho đàn tính.

Nối tiếp đầy cảm hứng

Chất liệu âm nhạc dân gian, nghệ thuật truyền thống các vùng miền vốn được nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam khai thác từ lâu và gần đây, những người trẻ đang tiếp nối đầy cảm hứng. Sau hiệu ứng thành công của các nghệ sĩ trẻ, như: Hoàng Thùy Linh, Đức Phúc, Hòa Minzy, Chi Pu… với những MV (video âm nhạc) lấy cảm hứng từ truyện cổ tích, lịch sử, tác phẩm văn học, âm hưởng dân gian các vùng miền, nhiều nghệ sĩ trẻ đã có hướng đi kiên trì và rõ ràng hơn trên con đường khai thác chất liệu truyền thống trong sản phẩm âm nhạc mới.

Từ “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm xuân xanh”, “Xẩm bốn mùa hoa Hà Nội”, ca sĩ Hà Myo (Nguyễn Thị Ngọc Hà) tiếp tục gây chú ý với MV “Đập nàng Khọt” kết hợp dân ca Mường với rap bằng tiếng Mường và nhạc điện tử ra mắt hồi tháng 3. Mới đây nhất, đầu tháng 6, sau chuyến công tác Trường Sa, nữ ca sĩ đã ra mắt MV “Ký sự Trường Sa” hòa trộn giữa nhạc điện tử, rap và dân ca Nam Trung Bộ. Ca khúc do nhạc sĩ Đỗ Minh chuyển soạn từ lời thơ Nguyễn Hoài Nam, với ca từ ca ngợi vẻ đẹp Trường Sa; ý chí, nghị lực của các chiến sĩ nơi hải đảo và thể hiện tình yêu biển, đảo Tổ quốc của thế hệ trẻ. “Tôi vẫn kiên trì và miệt mài trên con đường đưa vẻ đẹp âm nhạc dân gian, nghệ thuật truyền thống Việt Nam đến với khán giả trẻ hôm nay”, ca sĩ Hà Myo khẳng định.

Đi theo thế mạnh của mình, Quán quân Sao Mai 2019 phong cách dân gian Quách Mai Thy với dự án “Thy - Nương” ra mắt năm 2021 đã tạo được dấu ấn trong đời sống âm nhạc. Dự án gồm 3 tác phẩm: MV “Mục hạ vô nhân” (xẩm chợ), ca khúc “Chờ chàng” lấy cảm hứng từ trích đoạn “Xúy Vân giả dại” trong vở chèo cổ “Kim Nham” và ca khúc “Ngọc Hoa tự khúc” lấy cảm hứng từ nhân vật Mỵ Nương trong truyền thuyết “Sơn Tinh - Thủy Tinh”. Các bài hát đều có sự hòa trộn chất liệu truyền thống và âm nhạc hiện đại.

Trong khi đó, từ thành công của chương trình “Trở về” năm 2019 với nhiều tác phẩm kết hợp âm nhạc dân gian, truyền thống với âm nhạc giao hưởng, cuối năm 2021, ca sĩ Tân Nhàn tiếp tục tạo dấu ấn với MV xẩm “Công cha ngãi mẹ sinh thành” thể hiện trên nền phối khí hòa quyện màu sắc văn hóa phương Đông và âm nhạc phương Tây, cùng tiếng đàn cello.

Bền bỉ nhiều năm với những cuộc điền dã khắp các vùng miền của đất nước, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang liên tục cho ra mắt những sáng tác mới từ chất liệu âm nhạc bản địa và những bài dân ca phối khí mang màu sắc đương đại, được giới chuyên môn đánh giá cao. Gần đây, anh có MV “Đi tìm” kết hợp hát, đàn môi, sáo Mèo, khèn Mông và MV “Tiếng lượn nhắn người phương xa” - dân ca Tày, Nùng được anh hòa âm và chuyển soạn cho đàn tính. Tiếc là nghệ sĩ này chưa chú ý nhiều đến khâu quảng bá, giới thiệu, nên những tác phẩm của anh còn ít được khán giả trẻ biết đến…

Ca sĩ Hà Myo kết hợp dân ca Mường với rap bằng tiếng Mường và nhạc điện tử trong MV “Đập nàng Khọt”.

Cần tâm huyết và sự dấn thân

Việc khai thác tinh hoa âm nhạc Việt Nam đưa vào tác phẩm mới hoặc thể hiện trong không gian đương đại là hướng đi tích cực, cần khuyến khích những người trẻ dấn thân tìm tòi, thể hiện.

Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, những năm gần đây, có thêm nhiều sản phẩm âm nhạc khai thác chất liệu dân gian, truyền thống là tín hiệu đáng mừng cho âm nhạc đại chúng Việt Nam. Bên cạnh đó, việc khai thác những yếu tố dân gian, truyền thống, vừa là cách thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước của nghệ sĩ, vừa dễ tạo được cảm xúc với khán giả. Phát hành những sản phẩm này là góp phần truyền bá giá trị truyền thống dân tộc đến với giới trẻ.

Còn bạn Nguyễn Phương Nhung, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, chia sẻ: “Nghe những tác phẩm mang màu sắc dân gian, truyền thống của các tác giả hiện nay, vừa quen thuộc, song cũng rất lạ tai. Chúng giúp tôi nhận thấy vẻ đẹp của văn hóa Việt và thêm yêu mến, mong muốn khám phá”.

Theo nhạc sĩ, nhà báo Trần Lệ Chiến, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam, việc khai thác vốn cổ trong các sáng tác âm nhạc đương đại hiện nay rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, có những ca khúc chưa mang chất liệu âm nhạc của vùng miền nào trong giai điệu chính. Có những MV nếu không xem hình ảnh thì khó cảm nhận được màu sắc dân gian, truyền thống chứa đựng trong đó...

“Để tác phẩm âm nhạc khai thác chất liệu âm nhạc dân gian, nghệ thuật truyền thống có đời sống, giá trị lâu bền, thì người sáng tạo cần có nền tảng âm nhạc vững vàng, hiểu biết về văn hóa, địa lý, phong tục tập quán và âm nhạc từng vùng, miền, dân tộc. Tác phẩm phải hội tụ đủ hai khái niệm nội hàm là nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh, tức là đáp ứng cái tôi nghệ sĩ và đem lại lợi ích cho xã hội, thì mới tạo dấu ấn lâu bền trong lòng công chúng, góp phần phát triển âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến nhấn mạnh.

Kho tàng âm nhạc dân gian và nghệ thuật truyền thống Việt Nam vô cùng phong phú. Người sáng tác, hoạt động âm nhạc đương đại cần dấn thân tìm tòi, khai thác sâu hơn để tạo nên những tác phẩm chất lượng, có giá trị cho âm nhạc Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khai thác chất liệu truyền thống trong âm nhạc: Tìm những dấu ấn lâu bền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.