Tôi cưu mang một cô gái lỡ mang thai ngoài giá thú. Sau khi sinh con hơn một tháng thì cô gái bỏ đi, để lại cháu bé và mấy chữ
Tôi cưu mang một cô gái lỡ mang thai ngoài giá thú. Sau khi sinh con hơn một tháng thì cô gái bỏ đi, để lại cháu bé và mấy chữ "em cho cháu làm con nuôi chị". Tôi chăm sóc cháu bé và chờ cô gái quay lại nhưng đã hơn ba tháng trôi qua, không có tin tức gì. Nay tôi muốn khai sinh cho cháu và nhận cháu làm con nuôi thì phải đến cơ quan nào và làm thủ tục gì?
Lê Thị Mão
Luật sư Vũ Thị Viên (VPLS Đông Hà, email: vtva76@yahoo.com.vn) trả lời:
- Cháu bé trong trường hợp bà Lê Thị Mão nêu trên được coi là trẻ em bị bỏ rơi (bị mẹ bỏ rơi). Điểm a khoản 2 Điều 15 Luật Nuôi con nuôi quy định: "Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì UBND cấp xã, nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nhận nuôi dưỡng trẻ em; nếu có người nhận trẻ em làm con nuôi thì UBND cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật…". Khoản 3 Điều 13 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định: "Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó".
Căn cứ quy định trên, để khai sinh cho cháu bé và nhận cháu làm con nuôi, bà Lê Thị Mão phải đến UBND cấp xã, nơi bà cư trú để được hướng dẫn và thực hiện các thủ tục (quy định tại Điều 16 Nghị định 158/2005/NĐ-CP). Nếu bà muốn nhận cháu bé bị bỏ rơi này làm con nuôi thì bà đề nghị và đăng ký với UBND cấp xã, nơi bà cư trú về việc nhận nuôi con nuôi. Hồ sơ gồm bản sao giấy khai sinh của đứa trẻ và biên bản xác nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi. Cán bộ tư pháp xã kiểm tra, xác minh tư cách và mục đích nhận nuôi con nuôi của bà trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (trường hợp cần phải xác minh thêm thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày). Sau thời hạn trên, nếu xét thấy việc nhận con nuôi của bà đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì UBND cấp xã đăng ký việc nuôi con nuôi và cấp quyết định công nhận việc nuôi con nuôi cho bà; đồng thời ghi bổ sung tên của cha, mẹ nuôi vào phần ghi về cha, mẹ trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh của con nuôi nếu cha mẹ nuôi có yêu cầu (quy định tại các điều 26, 27 và Điều 28 Nghị định 158/2005/NĐ-CP).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.