Thế giới

Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G77 và Trung Quốc tại Cuba

Quỳnh Dương 16/09/2023 - 06:38

Tối 15-9 (giờ Việt Nam), Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G77 và Trung Quốc đã khai mạc tại Cung Hội nghị, Thủ đô La Habana (Cuba).

Đại diện hơn 100 quốc gia, trong đó có 30 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ tham dự hội nghị. Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu dự hội nghị.

diaz2.jpg_1718483346.jpg
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, trong vai trò Chủ tịch luân phiên của G77, đã kêu gọi giải quyết nhu cầu của các quốc gia phía Nam bán cầu bằng cách dân chủ hóa các thể chế quản trị quốc tế.

Ông khẳng định tầm quan trọng của G77 trong bối cảnh “khủng hoảng đa chiều” toàn cầu và nhấn mạnh sự cần thiết phải "thay đổi luật chơi" theo hướng có lợi cho các nước đang phát triển, vốn là nạn nhân chính của sự bất bình đẳng, khoảng cách khoa học và khủng hoảng khí hậu.

Chủ tịch Miguel Diaz-Canel cho rằng, trật tự quốc tế hiện nay là bất công và không bền vững, đồng thời nhắc lại sự ủng hộ của Cuba đối với việc thúc đẩy và tôn trọng chủ nghĩa đa phương cũng như các nguyên tắc, mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo G77 và Trung Quốc "đấu tranh cho một thế giới phù hợp với tất cả mọi người".

Trong bài phát biểu tại hội nghị, ông Guterres bày tỏ sự tin tưởng vào các nước thành viên G77, những quốc gia từ lâu đã ủng hộ chủ nghĩa đa phương. Mặc dù các quốc gia này đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo trong những thập kỷ gần đây, nhưng hiện đang phải đối mặt với vô số cuộc khủng hoảng, với tình trạng nghèo đói, giá cả, nợ leo thang và thảm họa khí hậu gia tăng.

Ông Guterres lưu ý rằng sự thay đổi đòi hỏi hành động ở cấp quốc gia để quản trị tốt hơn, huy động nguồn lực và ưu tiên phát triển bền vững. Đồng thời, chủ quyền quốc gia phải được tôn trọng.

"Hãy ủng hộ một hệ thống bắt nguồn từ sự bình đẳng; hãy ủng hộ một hệ thống sẵn sàng đảo ngược sự bất công và sự thờ ơ trong nhiều thế kỷ; và hãy ủng hộ một hệ thống mang lại lợi ích cho toàn nhân loại chứ không chỉ cho những người có đặc quyền", Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh.

Diễn ra trong 2 ngày, hội nghị tập trung thảo luận nhiều nội dung liên quan tới chủ đề “Các thách thức phát triển hiện nay: Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” ở các nước Nam bán cầu.

Theo kế hoạch, các đại biểu sẽ thông qua một tuyên bố cuối cùng. Đây là một tài liệu rất toàn diện và tiến bộ, bao gồm các quan điểm cơ bản của 134 quốc gia thành viên G77 đối với những vấn đề chính trong chương trình nghị sự quốc tế, những xung đột và thách thức mà thế giới đang đối mặt.

Nhóm G77 được 77 quốc gia Nam bán cầu thành lập từ năm 1964 với mục đích thúc đẩy lợi ích kinh tế chung của các quốc gia thành viên.

Thuật ngữ “Nam bán cầu” xuất hiện lần đầu trong Chiến tranh Lạnh để chỉ sự phân chia kinh tế rộng lớn giữa các quốc gia phía Bắc giàu có, công nghiệp hóa nói chung và các nước đang phát triển ở phía Nam. Cho đến cuối những năm 1960 và 1970, nhiều quốc gia trong số đó vẫn là một phần của thuộc địa Tây Âu, đế quốc hoặc bị chủ nghĩa thực dân mới phương Tây thống trị.

Theo nghĩa rộng hơn, Nam bán cầu đề cập đến các quốc gia có thu nhập thấp hoặc các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp tương đối kém so với các quốc gia giàu có ở phía Bắc.

Hiện, nhóm G77 có 134 quốc gia thành viên, đại diện cho 80% dân số thế giới và khoảng 70% thành viên Liên hợp quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G77 và Trung Quốc tại Cuba

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.