Hội nghị quốc tế lần thứ 7 cấp bộ trưởng về cúm động vật và đại dịch 2010 (IMCAPI Hanoi 2010) với chủ đề:
Hội nghị quốc tế lần thứ 7 cấp bộ trưởng về cúm động vật và đại dịch 2010 (IMCAPI Hanoi 2010) với chủ đề: "Định hướng cho tương lai", do Chính phủ Việt Nam đăng cai, đã khai mạc sáng 20/4, tại Hà Nội.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhiệt liệt chào mừng hơn 300 đại biểu là các bộ trưởng Nông nghiệp, Chăn nuôi, Y tế từ các quốc gia, vùng lãnh thổ cùng với lãnh đạo của các tổ chức quốc tế và khu vực đã đến tham dự hội nghị.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết IMCAPI Hanoi 2010 là sự tiếp nối từ 6 hội nghị trước trong việc chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.
Các hội nghị trước đã phân tích được sự thách thức cũng như khả năng sẵn sàng ứng phó với một đại dịch có nguy cơ xảy ra trong tương lai.
Các tổ chức quốc tế đã cam kết cùng nhau nỗ lực giảm thiểu nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người, với phương pháp tiếp cận đa ngành thay vì chỉ giới hạn trong lĩnh vực y tế và thú y.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, các quốc gia nhận thức được virus H5N1 luôn tồn tại và lưu hành trong môi trường, tiềm ẩn rủi ro và là thách thức chung. Vì vậy, IMCAPI Hanoi 2010 với mục tiêu đưa ra được định hướng chung đến năm 2030 là hết sức cấp thiết.
Phó Thủ tướng cảm ơn cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ đã hỗ trợ Việt Nam đẩy lùi nguy cơ đại dịch, giảm thiệt hại đáng kể về kinh tế trong thời gian qua.
Trong hai ngày làm việc (từ 20-21/4), IMCAPI Hanoi 2010 sẽ đánh giá diễn biến toàn cầu trong việc kiểm soát đại dịch cúm do virus độc lực cao H5N1 gây ra và đề xuất các giải pháp tiếp theo nhằm giảm nhẹ và tìm kiếm khả năng loại trừ mối đe dọa nghiêm trọng này.
Hội nghị cũng sẽ rà soát lại những giải pháp đối phó với đại dịch cúm A/H1N1 hiện nay và tình hình chuẩn bị đối phó trên toàn cầu.
Điểm quan trọng là hội nghị sẽ đề xuất cách thức tăng cường bảo vệ khỏi các mối đe dọa y tế phát sinh từ gia súc thông qua việc thiết lập các hệ thống tổng hợp, hiệu quả và bền vững. Các bộ trưởng sẽ thảo luận và ra Tuyên bố chung làm cơ sở hướng dẫn sự hợp tác và điều phối giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế sau năm 2010.
Báo cáo của ông Jean Marc Olivé, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho thấy dịch cúm gia cầm xuất hiện đầu tiên tại châu Á vào năm 2003 và lan rộng sang nhiều quốc gia.
Tính đến nay, trên thế giới có 491 trường hợp bị mắc cúm gia cầm và 290 người đã tử vong (chiếm 59%). Mức độ lây lan của dịch cúm gia cầm cũng như số người mắc và tử vong vì dịch này đã giảm và đến nay chỉ còn 3 nước là Ai Cập, Việt Nam và Indonesia có người mắc bệnh cúm A./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.