(HNM) - Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” chỉ rõ: "Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém...”. Khắc phục vấn đề này, các cấp ủy Đảng thành phố Hà Nội đã tập trung đổi mới và thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác cán bộ...
Hiệu quả nhờ công tác cán bộ
Trước đây, nội bộ xã Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ) từng mất đoàn kết. Đại hội Đảng bộ xã Mỹ Lương nhiệm kỳ 2015-2020 bầu thiếu cấp ủy viên; tình hình kinh tế - xã hội, an ninh khó khăn; tình trạng lấn chiếm đất công phức tạp. Nhằm khắc phục hạn chế, Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ đã tập trung vào khâu yếu là công tác cán bộ. Cụ thể, huyện quyết định cho thôi chức với Chủ tịch UBND xã Mỹ Lương, đồng thời bố trí lại một số chức danh chủ chốt, như: Luân chuyển Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Chương Mỹ về làm Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lương; đồng chí Bí thư Đảng ủy xã giữ vị trí Chủ tịch UBND xã.
Huyện cương quyết trong việc lựa chọn nhân sự, như không chấp nhận trường hợp được giới thiệu làm Phó Chủ tịch UBND vì năng lực yếu kém, đồng thời mạnh dạn bố trí một đồng chí cán bộ trẻ làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lương... Nhờ đổi mới từ công tác cán bộ, xã Mỹ Lương từng bước chuyển biến tích cực, vươn lên. Tháng 11 vừa qua, xã Mỹ Lương đã chính thức được công nhận xã nông thôn mới. Ông Đặng Đình Công, thôn Khôn Duy (xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ) cho biết: “Cán bộ nào phong trào ấy. Thay đổi cán bộ chính là mấu chốt giúp xã chúng tôi đi lên”.
Không chỉ có xã Mỹ Lương, từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ bằng những giải pháp đổi mới, khắc phục hạn chế về công tác cán bộ đã từng bước củng cố được hàng loạt các đảng bộ cơ sở như: Văn Võ, Tiên Phương, Phụng Châu, Hoàng Văn Thụ. Huyện còn mạnh dạn trọng dụng cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực, năng động; tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) diện Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ quản lý đạt 20,3%, cao gấp đôi chỉ tiêu được Thành ủy Hà Nội đề ra.
Còn tại quận Tây Hồ, Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Thắng cho biết, để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, quận triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó đặt trọng tâm là kết hợp hiệu quả giữa đào tạo, bồi dưỡng với thực hiện luân chuyển cán bộ về cơ sở. Phường Xuân La là nơi có cả Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường là cán bộ luân chuyển. Nhờ được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nhất là kỹ năng xử lý tình huống, nên cả Bí thư Đảng ủy Phùng Mỹ Ngà và Chủ tịch UBND phường Võ Thanh Tùng đều bắt nhịp nhanh với công việc, sâu sát cơ sở, được người dân tín nhiệm. Ông Đào Nguyên (khu dân cư số 4, phường Xuân La) - người đã gửi thư khen Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Xuân La tới Bí thư Quận ủy Tây Hồ cho biết: “Những việc nhân dân kiến nghị ở hội nghị tiếp xúc cử tri được cán bộ địa phương giải quyết rất kịp thời. Chúng tôi rất hài lòng”.
Hành trang cho đại hội đảng bộ các cấp
Không riêng huyện Chương Mỹ, các cấp ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội đều chú trọng khắc phục yếu kém về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng chất lượng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn thành phố đã củng cố được 154/212 tổ chức cơ sở Đảng khó khăn, đạt 72,6%. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội luôn chú trọng thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ; từ việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để nâng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đơn vị.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã quyết định luân chuyển 55 cán bộ thuộc diện quản lý. Các quyết định luân chuyển đều bảo đảm đồng thuận cao, qua đó khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ hoặc cục bộ địa phương. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, cán bộ sau luân chuyển đều có bước trưởng thành, giúp cho nhiều cơ sở khắc phục khó khăn, yếu kém, từng bước phát triển.
PGS.TS Nguyễn Văn Giang, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: “Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy Hà Nội đã có nhiều kinh nghiệm đào tạo, luân chuyển cán bộ. Các đồng chí cán bộ đưa xuống cơ sở rèn luyện, ai có tố chất đều bộc lộ rõ và được ghi nhận; ai chưa thể hiện được thì cũng có ý thức rèn luyện, vươn lên”.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội còn khắc phục đáng kể tình trạng hình thức, kém hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng những đổi mới, như đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; đánh giá bằng sát hạch, phỏng vấn; ai lãnh đạo, quản lý, người đó trực tiếp sát hạch. Thành phố cũng khắc phục căn bản bất cập về khâu đánh giá cán bộ với quy định về đánh giá cán bộ hằng tháng; phân cấp, ủy quyền đánh giá cán bộ. Kết quả xếp loại cán bộ ngày càng thực chất hơn. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã xem xét quyết định điều chỉnh mức xếp loại đối với 33 trường hợp (giảm 3,7% so với các đơn vị tự đề xuất). Tỷ lệ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý năm 2018 được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảm mạnh so với năm 2017 (từ 84,48% xuống còn 16,41%).
Với những gì đã, đang làm, kết quả đổi mới, khắc phục hạn chế, yếu kém trong các khâu của công tác cán bộ là hành trang quan trọng giúp Đảng bộ thành phố Hà Nội chuẩn bị tốt cho việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.