(HNM) - Ngày 26-9, Sở Y tế Hà Nội sơ kết 1 năm thực hiện Kế hoạch số 119/KH-UBND, ngày 1-6-2017, của UBND thành phố về khắc phục các hạn chế, yếu kém, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm giai đoạn 2018-2020.
Tăng kiểm tra, giám sát là giải pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Xử phạt hơn 14 tỷ đồng
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm TP Hà Nội, sau 1 năm thực hiện Kế hoạch số 119/KH-UBND, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đã tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất, hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể và đã tiến hành xử phạt các cơ sở vi phạm hơn 14 tỷ đồng.
Cụ thể, Sở Y tế đã tổ chức kiểm tra được 961 lượt cơ sở, phát hiện 162 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính với số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra 414 cơ sở, phát hiện 120 cơ sở vi phạm, phạt tiền hơn 1 tỷ đồng. Sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra và xử lý 1.113 vụ, phạt hành chính hơn 5,3 tỷ đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá hơn 3,3 tỷ đồng.
UBND các quận, huyện, thị xã thanh tra, kiểm tra hơn 152.000 lượt cơ sở, phát hiện hơn 26.000 cơ sở vi phạm, phạt hơn 3.200 cơ sở, với số tiền hơn 6,4 tỷ đồng.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: Kế hoạch 119 đã nhanh chóng khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quản lý an toàn thực phẩm, nhất là tại tuyến cơ sở.
UBND quận, huyện, thị xã đã vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt hơn trong công tác rà soát, chấn chỉnh giải quyết các chợ tự phát, lấn chiếm lòng đường, khu vực xung quanh chợ, điểm giết mổ nhỏ lẻ. Đến nay, đã giải tỏa được 152/213 chợ cóc; các quận, huyện, thị xã đã xây dựng được 30 tuyến phố văn minh về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn gặp không ít khó khăn.
Ông Trần Ngọc Tụ lý giải, bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ngành Nông nghiệp và Công Thương tại các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thiếu, trình độ quản lý còn hạn chế. Hiện tại, tuyến cơ sở chưa có chuyên trách về công tác quản lý an toàn thực phẩm lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã và một số nơi ở tuyến huyện chưa kiên quyết; ở không ít địa bàn, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, phân tán…
“Áp lực của việc nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng làm gia tăng sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất. Đây là nguyên nhân gây ô nhiễm thực phẩm, tồn dư hóa chất trong sản phẩm thực phẩm” - ông Trần Ngọc Tụ cho biết thêm.
Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, chỉ có quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi mới giải quyết được các vấn đề về chất lượng sản phẩm, lượng cung và cầu một cách tốt nhất. Thế nhưng, nước ta vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý theo chuỗi cung cấp “từ trang trại đến bàn ăn”. Việc quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn chưa gắn chặt chẽ với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ địa lý của sản phẩm. Chính vì vậy, thực phẩm an toàn chưa tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, giá thành cao, khó cạnh tranh với thực phẩm thông thường…
Đẩy mạnh quản lý bằng công nghệ thông tin
Thực tế cho thấy, việc quản lý, tuyên truyền, giáo dục cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống về các quy định của pháp luật như: Xác nhận kiến thức an toàn, vệ sinh thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ, thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện… cũng như công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm chiếm khá nhiều công sức, còn thực hiện thủ công.
Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ với nhiều công nghệ tiên tiến, ứng dụng thực tiễn cao. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm sẽ trở thành xu thế tất yếu.
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm TP Hà Nội kiểm tra quy trình sản xuất bánh trung thu. |
Hiện tại, Hà Nội đang triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm. Mô hình này được xây dựng liên ngành, gồm có các Sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, nhằm tiếp nhận, xử lý thông tin, đưa ra biện pháp quản lý, cảnh báo cho cộng đồng. Cụ thể, xây dựng phần mềm quản lý an toàn thực phẩm từ tuyến thành phố cho đến tuyến quận, huyện, xã, phường. Riêng phần mềm quản lý của các các sở, ngành sẽ dựa vào các nhóm ngành hàng theo phân cấp quản lý.
“Việc sử dụng công nghệ thông tin là giải pháp giải phóng sức lao động và tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Đơn cử, trước khi thanh tra, kiểm tra các cơ sở, đoàn kiểm tra đã nắm đầy đủ các thông tin về cơ sở thông qua phần mềm, không phải mất thời gian chờ đợi báo cáo, cơ sở xuất trình giấy tờ…” - ông Tạ Văn Tường phân tích.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn, nhưng cơ quan chức năng đã cố gắng khắc phục. Từ đó, nhận thức của các cấp, các ngành và người dân được nâng lên. Song, an toàn thực phẩm là vấn đề luôn luôn nóng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm sẽ góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm.
“Sau khi triển khai mô hình này, cần có đánh giá cụ thể về chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội xem có được cải thiện hay không” - Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền lưu ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.