(HNMO) - Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các sở giáo dục và đào tạo là thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp học thuận lợi cho việc học của học sinh; duy trì, củng cố kết quả phổ cập giáo dục và thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Các địa phương cần triển khai rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục tiểu học bảo đảm nguyên tắc thuận lợi cho việc học của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các sở giáo dục và đào tạo cần tăng cường triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, trường học có quy mô lớp học và sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các địa phương thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục. Khi sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới trường, lớp tiểu học cần phải gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; phù hợp tâm, sinh lý lứa tuổi học sinh và nhu cầu, điều kiện thực tế của mỗi địa phương.
Khi thực hiện quy hoạch, dồn ghép trường lớp cần ưu tiên thực hiện dồn ghép các trường tiểu học có quy mô nhỏ với nhau; có thể bố trí điểm trường để tạo điều kiện thuận lợi cho người học (có thể thành lập trường tiểu học liên xã, liên phường), không thành lập trường liên cấp mầm non - tiểu học.
Liên quan đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 3, các nhà trường lưu ý bảo đảm tỷ lệ 1 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học; bảo đảm tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học và hoạt động giáo dục theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.