(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đang có 16 khu chế xuất và khu công nghiệp, thu hút hơn 276.000 người lao động đến làm việc. Tuy nhiên, hệ thống trường mầm non trên địa bàn có khu công nghiệp rất thiếu, khiến việc gửi con của công nhân lao động ở những khu vực này gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần sớm tìm giải pháp khắc phục.
Công nhân khó tìm chỗ học cho con
Năm học mới 2022-2023 đã bắt đầu được gần 1 tháng, nhưng chị Vũ Kim Khánh là công nhân Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) vẫn đang đôn đáo tìm trường học cho con gái nhỏ gần 5 tuổi. “Vợ chồng tôi lên thành phố muộn nên đăng ký trường cũng muộn. Tuy nhiên, trường mầm non công lập kín chỗ, tư thục thì học phí cao nên chúng tôi phải tạm để cháu ở quê cùng ông bà”, chị Khánh chia sẻ.
Còn chị Vương Mỹ Ngọc, công nhân Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) may mắn hơn khi con trai của chị được học trường mầm non công lập gần nhà. Tuy nhiên, rắc rối lại đến khi trường công chỉ hoạt động đến 16h30, trong khi ca làm việc của chị có khi kéo dài đến 18h nên thường phải nhờ hàng xóm đón và trông con đến khi tan ca.
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, có tới gần 60% số công nhân làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố là nữ trong độ tuổi 18-35. Khi tìm chỗ gửi con từ 6 tháng tuổi trở lên, họ gặp nhiều khó khăn. Còn theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, hiện chỉ có 24 cơ sở giáo dục mầm non công lập liền kề hoặc nằm trong khuôn viên các khu chế xuất, khu công nghiệp, quá ít so với nhu cầu gửi con của công nhân.
Phó Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Võ Minh Thư cho biết, một trong những vướng mắc nằm ở chỗ Nghị định số 36-CP của Chính phủ ban hành ngày 24-4-1997 về quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao quy định: Khu công nghiệp và khu chế xuất là khu tập trung các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống. Như vậy, Nghị định số 36-CP chưa có quy định về hệ thống trường lớp cho con em công nhân.
“Nhu cầu trường mầm non phục vụ công nhân rất lớn, nhưng vướng mắc pháp lý khiến nhiều nơi không thể xây trường, dù có quỹ đất. Nữ công nhân phải gửi con vào trường ngoài công lập, nhóm trẻ tự phát vì có giờ trông trẻ phù hợp. Tuy nhiên, chất lượng của nhiều cơ sở hoặc nhóm trẻ này còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến tâm lý công nhân có con nhỏ”, bà Nguyễn Võ Minh Thư nói.
Khuyến khích xã hội hóa xây dựng trường mầm non
Cũng theo bà Nguyễn Võ Minh Thư, thực tế cho thấy các khu công nghiệp, khu chế xuất cần có quy định rõ ràng về các tiện ích hạ tầng chăm lo đời sống công nhân, trong đó trường mầm non cần được quy hoạch xây dựng đồng bộ. Vì vậy, cần sớm có quy định của pháp luật về việc chủ đầu tư khu chế xuất, khu công nghiệp có nghĩa vụ dành đất xây trường học; các doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng góp kinh phí để hệ thống trường học này hoạt động.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam cho biết, hằng năm, bình quân trẻ mầm non tại thành phố tăng gần 10.000 cháu. Tính đến cuối năm học 2021-2022, toàn thành phố có 3.112 cơ sở giáo dục mầm non; trong đó, có 468 trường mầm non công lập, 883 trường ngoài công lập. Tổng số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập (tối đa 70 trẻ/cơ sở) là 1.761 nhóm. Dù thành phố vẫn nỗ lực bảo đảm chỗ học cho tất cả trẻ mầm non, nhưng cần có cơ chế để phát triển hệ thống trường cho khu chế xuất, khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của công nhân.
“Giáo dục mầm non ngoài công lập tại thành phố Hồ Chí Minh chiếm tới 80% số cơ sở giáo dục mầm non toàn thành phố. Đây là nơi các gia đình công nhân gửi con khi đi làm, vì giờ giấc phù hợp. Nếu có cơ chế phù hợp, nhiều nhà đầu tư sẽ xây dựng cơ sở giáo dục phục vụ công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp. Tuy nhiên, cần có cơ chế kiểm soát hoặc trợ giúp về chi phí học tập cho các cháu, tránh việc gia đình công nhân phải căng sức lo tiền học cho con”, ông Lê Hoài Nam chia sẻ.
Về vấn đề này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định triển khai chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế nhằm khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư phát triển trường, lớp mầm non ngoài công lập tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức thông tin: Thời gian tới, cùng với việc kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành quy định nhà đầu tư các khu công nghiệp, khu chế xuất có trách nhiệm đầu tư quỹ đất xây dựng khu lưu trú cho công nhân và trường học cho con em công nhân, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư xây dựng trường mầm non phục vụ con công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.