(HNM) - Sau hơn 6 tháng nghiên cứu và quán triệt Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, cán bộ, đảng viên và nhân dân thống nhất cao với cách đặt vấn đề cũng như mục tiêu, phương châm, giải pháp, kế hoạch, tổ chức thực hiện mà nghị quyết đã đề ra và nóng lòng kỳ vọng, chờ đợi kết quả thực hiện nghị quyết.
Nhưng dù nghị quyết có hay đến mấy thì vẫn chỉ là giai đoạn “chẩn bệnh”, “kê đơn”, “bốc thuốc”. Đến nay mới là giai đoạn “uống thuốc” trị bệnh. Kinh nghiệm dân gian cho thấy thuốc có đắng thì mới “dã” được bệnh.
Theo kế hoạch của BCH TƯ, bắt đầu từ tháng 7-2012, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo 3 nội dung nêu trong nghị quyết và trong các tháng 9, 10, 11-2012, tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), đảng viên. Quá trình tự phê bình và phê bình, trong phạm vi toàn Đảng cũng như trong từng TCCSĐ phải chỉ ra được tập thể, cá nhân nào có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện ấy thể hiện ở con người bằng xương bằng thịt hằng ngày như thế nào? Những ai có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc? Liệu có thể thống kê một cách cơ học “một bộ phận” cán bộ, đảng viên như trong nghị quyết đã nói là bao nhiêu? Rút kinh nghiệm việc thực hiện “khâu đột phá” trong cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết TƯ 6 lần 2 (khóa VIII), một trong những nguyên nhân của khuyết điểm, thiếu sót trong việc thực hiện nghị quyết đó là “chưa thực hiện tốt việc công khai kết quả tự phê bình và phê bình theo quy định để phát huy vai trò của tổ chức dân cử, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên”. Vậy lần này, Đảng ta có chủ trương công khai kết quả tự phê bình và phê bình trên các phương tiện thông tin đại chúng không? Cán bộ, đảng viên đang chờ đợi, mong mỏi cấp trên của mình, cấp ủy đảng tự phê bình như thế nào để học tập, noi gương.
Nghị quyết Đảng chỉ rõ, công tác tự phê bình và phê bình phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan; đồng thời không để rơi vào trì trệ, hình thức; giữ vững nguyên tắc, không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng kích động, xuyên tạc, gây rối nội bộ. Lâu nay vẫn có tâm lý khá phổ biến trong một số là “sợ” công khai, minh bạch khuyết điểm, thiếu sót của cán bộ lãnh đạo, của tổ chức đảng dễ bị kẻ địch lợi dụng xuyên tạc, làm “mất uy tín” cán bộ, “mất ổn định” trong nội bộ tổ chức Đảng, làm giảm lòng tin của người dân đối với tổ chức Đảng, với cán bộ, đảng viên. Chính vì thế, trong những năm qua, không ít trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý mắc sai lầm, khuyết điểm, thậm chí vi phạm pháp luật cũng thường chỉ bị “xử lý nội bộ”. Thực chất là hành động bao che cho nhau. Thực tế tâm lý lo ngại đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lường trước cách đây 63 năm. Với bút danh L.T, trong bài báo “Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng” đăng trên Báo Sự thật, số 109, ra ngày 15-4-1949, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Có những cán bộ tưởng rằng: Nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình, thì sẽ có hại, vì: Kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền; giảm bớt uy của đoàn thể và chính quyền; làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy; chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi. Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Thế là không hiểu ý nghĩa của phê bình. Nếu không muốn để kẻ địch phản tuyên truyền, thì không có gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm, thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết”. Bác Hồ còn khẳng định, một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền “yếu ớt”, “thoái bộ”. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp giúp cho cán bộ sửa chữa, thì uy tín thêm cao. Người nhấn mạnh: “Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn”. Tất cả cán bộ, từ cấp trên đến cấp dưới, phải “thi đua sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm”.
Quán triệt và vận dụng quan điểm của Bác Hồ để giải tỏa tâm lý e ngại, tích cực thi đua tự phê bình và phê bình, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, đồng thời phát động quần chúng nhân dân phê bình cán bộ, đảng viên, nhất định chúng ta sẽ tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.