(HNM) - Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, lãnh đạo nhiều trường đại học, cao đẳng và trung cấp (ĐH-CĐ-TC) phía Nam cho rằng, Thông tư 08/2015/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ-ĐH của Bộ GD-ĐT đã khắc phục một số điểm chưa hợp lý trước đây, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ĐH-CĐ-TC trong công tác tuyển sinh.
Ngày 4-6 này, Thông tư 08/2015/TT-BGDĐT, thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ-ĐH do Bộ GD-ĐT ký ngày 21-4 sẽ có hiệu lực. Nội dung thông tư sửa đổi, bổ sung này khắc phục những điểm chưa hợp lý của Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25-12-2012 khiến nhiều trường TC-CĐ-ĐH không tuyển sinh được như: Bỏ quy định liên thông chính quy phải thi chung với ĐH-CĐ; tuyển sinh liên thông có thể được thực hiện tối đa 2 lần trong một năm theo các phương thức thi tuyển hoặc xét tuyển; cơ sở giáo dục ĐH xây dựng và ban hành quy chế tuyển sinh liên thông; cơ sở giáo dục ĐH tự ra đề thi và tổ chức thi tuyển. Điểm trúng tuyển với tuyển sinh liên thông theo hình thức xét tuyển hoàn toàn không bắt buộc phải áp dụng khung chung giống với điểm xét trúng tuyển của tuyển sinh ĐH-CĐ chính quy…
Mặc dù cởi trói cho các trường ĐH-CĐ-TC trong đào tạo liên thông, nhưng Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra chặt chẽ trong kỳ thi do nhà trường tổ chức. Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy hay liên thông vừa làm vừa học phải nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường và được xác định hằng năm cho từng ngành đào tạo, không vượt quá 20% chỉ tiêu chính quy của ngành đối với các ngành nói chung. Đặc biệt, các ngành về khoa học sức khỏe, việc khống chế tỷ lệ tuyển sinh liên thông được thực hiện chặt chẽ hơn, không vượt quá 15% chỉ tiêu chính quy của ngành này.
Trao đổi với PV Báo Hànộimới, Thạc sĩ Hoàng Đức Bình - Giám đốc Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Hoa Sen cho biết, Thông tư này chính là một động tác "cởi trói" đáng mong chờ mà Bộ GD-ĐT đã thực hiện cho các trường ĐH-CĐ. "Thời gian vừa qua ngành giáo dục đã nhận thấy có nhiều bất cập phát sinh từ Thông tư 55, trong đó nổi lên là quy định nếu tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng phải tham dự lại kỳ thi ĐH để xét tuyển. Việc thi lại này đã hạn chế cơ hội học tập của nhiều người học và gây khó khăn cho việc tuyển sinh của nhiều trường. Vì vậy khi Bộ bỏ quy định này và cho thí sinh có 2 cơ hội là thi tuyển và xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, không chỉ sẽ tạo thêm cơ hội cho thí sinh mà còn giúp các trường ĐH-CĐ chủ động hơn trong khâu tuyển sinh", ông Bình đánh giá.
Phân tích của Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Công nghệ TP Hồ Chí Minh, việc Bộ GD-ĐT ban hành thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25-12-2012 cách đây 2 năm khiến cho các trường TC-CĐ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, đặc biệt các trường CĐ nghề và TC nghề càng khó chiêu sinh hơn. Bởi thông tư cũ quy định các trường ĐH muốn nhận đối tượng tốt nghiệp hệ nghề liên thông lên ĐH phải được Bộ GD-ĐT đồng ý. Điều này chẳng khác nào khép lại cánh cửa của những người học hệ nghề muốn liên thông lên hệ ĐH chính quy. Vì vậy việc Bộ GD-ĐT sửa đổi bằng Thông tư 08/2015 không chỉ giúp cho các trường CĐ-TC dễ thở hơn trong công tác chiêu sinh đầu vào mà còn giúp các em học sinh nhìn thấy được hướng phát triển tương lai khi lựa chọn các bậc học nghề nghiệp dưới ĐH.
Tuy nhiên, theo nhiều lãnh đạo các trường nghề, quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2015 của Bộ GD-ĐT vẫn cho phép rất nhiều trường ĐH được tổ chức xét tuyển vào ĐH, CĐ từ học bạ. Điều này dẫn tới thí sinh không mặn mà với hệ CĐ-TC mà sẽ đổ xô vào học ĐH. Như vậy, các trường CĐ-TC sẽ vẫn gặp những khó khăn nhất định trong công tác tuyển sinh. Bởi vậy, lãnh đạo các trường CĐ-TC hy vọng Bộ GD-ĐT nên khống chế và giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH một cách chặt chẽ hơn, phân luồng các thí sinh rớt ĐH vào học các bậc thấp hơn như CĐ-TC giúp các trường giảm bớt những khó khăn trong tuyển sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.