(HNM) - Năm 2021 là năm thứ ba liên tiếp, trên lưu vực sông Hồng không xuất hiện lũ sớm. Hiện tại, dù đã qua thời điểm lũ chính vụ nhưng trên lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình không xuất hiện lũ lớn. Tình trạng này khiến các hồ chứa tại miền Bắc thiếu hụt nước, gây khó khăn cho việc phát điện trong mùa khô. Để khắc phục, ngành Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án, bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Các hồ thủy điện “khát nước”
Theo Trưởng phòng Dự báo thủy văn Bắc Bộ (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) Trịnh Thu Phương, năm 2021, khu vực Bắc Bộ gần như không xuất hiện lũ trên các sông chính, chỉ xuất hiện vài đợt lũ nhỏ trên các sông, suối nhỏ. Nguồn nước trên các sông, suối từ đầu năm 2021 giảm so với trung bình nhiều năm, đặc biệt thiếu hụt trong mùa lũ 30-60%. Do vậy, việc tích nước của các hồ chứa lớn trên thượng lưu sông Hồng phục vụ cấp nước và phát điện trong mùa khô năm 2022 trở nên hết sức khó khăn.
Mặc dù đã chủ động vận hành, ưu tiên tích nước ở thời điểm cuối mùa lũ, song mực nước các hồ chứa lớn, quan trọng đều đang ở mức rất thấp, tổng lượng nước tích được chỉ đạt 60-80% so với dung tích thiết kế. Hiện nay, tổng lượng nước thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường của cả hệ thống hồ chứa khoảng 5,093 tỷ mét khối (năm 2020 thiếu khoảng 5,3 tỷ mét khối). Trong đó, hồ Hòa Bình thiếu hụt so với quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng khoảng 633 triệu mét khối; hồ Thác Bà thiếu hụt khoảng 352 triệu mét khối; mực nước các hồ Lai Châu, Sơn La cũng thấp hơn mực nước dâng trung bình 5-9m.
Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình Nguyễn Văn Minh thông tin thêm, tính đến đầu tháng 11-2021, mức nước hồ Hòa Bình thấp hơn khoảng 6,1m so với mức nước dâng bình thường (tương ứng 1,2 tỷ mét khối nước, quy đổi khoảng 250 triệu kWh), gây khó khăn cho việc phát điện và chống hạn giai đoạn cuối mùa khô năm 2021-2022.
Theo Phó Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN Nguyễn Quốc Chính, các hồ thủy điện lớn, như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Chát trên lưu vực sông Đà hiện chỉ tích được khoảng 60% dung tích hữu ích. Tuy nhiên, nguồn nước này đang phục vụ đa mục tiêu, từ bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, cấp nước xuống hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt của người dân, cho đến bảo đảm cấp điện mùa khô. Nếu tiếp tục không có lũ về, khả năng các nhà máy thủy điện ở miền Bắc, như: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang sẽ phải xả trên 5 tỷ mét khối nước xuống hạ du mới có thể bảo đảm nước cho gieo trồng vụ đông xuân tới đây, từ đó sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát điện.
Các bộ, ngành, địa phương vào cuộc
Để hạn chế tình trạng thiếu nước xảy ra trên lưu vực sông Hồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các nhà máy thủy điện, như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà, Bản Chát, Huội Quảng điều chỉnh kế hoạch huy động phát điện, lập kế hoạch tích nước, xả nước để nâng dần mực nước các hồ thủy điện. Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo tính toán, lập kế hoạch lấy nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân năm 2021-2022 theo hướng linh hoạt về thời gian và mực nước hạ du, đồng thời vận hành hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước.
Về việc bảo đảm cung cấp điện, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN, các đơn vị điện lực trên cả nước bám sát tăng trưởng nhu cầu điện, tình hình khôi phục và phát triển kinh tế để cập nhật dự báo phụ tải và điều kiện bất lợi nhất để điều hành; đồng thời rà soát, bảo đảm tiến độ các dự án điện đang xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025, để tăng cường nguồn và lưới điện.
Đến nay, EVN đã chuẩn bị phương án huy động nhiệt điện than, nhiệt điện dầu khi thiếu hụt nguồn thủy điện. Dự kiến, năm 2022, tổng công suất nguồn mới bổ sung sẽ đạt 3.164MW, bao gồm 1.930MW nhiệt điện, 1.244MW thủy điện, trong đó 1.132 MW thủy điện nhỏ. Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200MW) phấn đấu hòa lưới điện tổ máy số 1 vào tháng 5-2022. EVN đang nghiên cứu thêm các giải pháp nhằm vận hành an toàn hệ thống điện, nhất là trong điều kiện tỷ lệ nguồn điện năng lượng tái tạo ở mức cao. Trước mắt, sẽ rà soát các công trình thuộc khu vực miền Bắc để chống thiếu nguồn. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào; làm việc với các khách hàng có nguồn điện dự phòng để sẵn sàng vận hành trong trường hợp không nhận được điện từ hệ thống…
Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình Nguyễn Văn Minh thông tin, đơn vị đã kiến nghị các cấp chính quyền tỉnh Hòa Bình, thành phố Hà Nội chuẩn bị phương án vận hành nhà máy nước sông Đà không phụ thuộc vào việc xả nước của hồ Hòa Bình; sử dụng tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát nước trong sinh hoạt. Có như vậy mới giảm bớt khó khăn nguồn nước cho phát điện.
Về lâu dài, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) Hà Đăng Sơn cho rằng, việc đa dạng hóa nguồn cung, đồng thời tiếp tục chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo là một lựa chọn dài hạn để giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch và việc thiếu hụt nguồn nước. Điều này đòi hỏi phải có chiến lược phù hợp, có kế hoạch đầu tư cho lưới điện truyền tải liên vùng, liên quốc gia và xem xét các công nghệ lưu trữ năng lượng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.