Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục khó khăn, dồn sức giải ngân

Hồng Sơn| 22/06/2021 06:22

(HNM) - Thành phố Hà Nội đang tập trung, dồn sức giải ngân vốn đầu tư công trên cơ sở nhận diện những khó khăn, vướng mắc; tìm giải pháp hiệu quả nhằm cải thiện tình hình, hướng tới đạt kết quả cao nhất trong năm 2021. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Đức về vấn đề này.

Thi công xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội (ảnh chụp ngày 21-6). Ảnh: Đỗ Tâm

- Ông có thể cho biết tình hình phân bổ nguồn vốn đầu tư công năm 2021 của thành phố Hà Nội?

- Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ giao thành phố Hà Nội 41.788 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là 6.244 tỷ đồng. Thành phố giao kế hoạch vốn là 51.241 tỷ đồng, cao hơn trung ương giao 9.453 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển cấp thành phố là 32.528 tỷ đồng và cấp huyện là 18.713 tỷ đồng.

Nguồn vốn cấp thành phố đã phân bổ cho 184 dự án với tổng số vốn là 18.283 tỷ đồng, trong đó 161 dự án chuyển tiếp và 19 dự án mới (chiếm 3% tổng số vốn phân bổ).

Ngân sách thành phố hỗ trợ các huyện là 7.244 tỷ đồng phân bổ cho 402 dự án. Đến nay, tất cả các quận, huyện, thị xã đã phân bổ và giao kế hoạch thực hiện. 

- Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng đầu năm 2021 như thế nào, thưa ông?

- Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội đến hết tháng 5-2021 đạt 7.104 tỷ đồng, bằng 17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong khi cùng kỳ năm 2020 là 8.121 tỷ đồng, bằng 18,1% kế hoạch.

Trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa xã hội đã giải ngân 208,194 tỷ đồng, đạt 25,9% kế hoạch. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông giải ngân 357,899 tỷ đồng, đạt 17,2% kế hoạch. Sở NN&PTNT giải ngân 125,947 tỷ đồng, đạt 19,5% kế hoạch…

Ước giải ngân đến hết tháng 6-2021 đạt 10.910 tỷ đồng, bằng 21,3% kế hoạch vốn thành phố giao và 26,1% kế hoạch Thủ tướng giao. Nhìn chung kết quả trên còn hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ.

- Vậy ông có thể cho biết các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công là gì?

- Trước hết, dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, khối lượng thi công và giải ngân của các dự án.

Tiếp đó, trong 5 tháng đầu năm 2021, giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép tăng cao đột biến, đến 40-50% khiến nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư gặp khó khăn vì đội vốn. Đơn cử huyện Ba Vì được cấp bổ sung gần 269 tỷ đồng để bố trí cho các công trình cải tạo, xây dựng trường học nhằm hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đến nay, nhiều nhà thầu đã giảm nhân công, hoạt động cầm chừng để chờ giá vật liệu giảm hoặc xin điều chỉnh kinh phí.

Ngoài ra, một số dự án ODA, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên các chuyên gia chưa sang được Việt Nam; các gói thầu thiết bị (như đầu máy, toa xe của dự án tuyến đường sắt đô thị số 3) phải nhập khẩu cũng bị chậm tiến độ.

Riêng đối với dự án chuyển tiếp thì hầu hết chủ đầu tư đang đẩy mạnh thi công để hoàn trả khối lượng cho phần vốn đã tạm ứng năm 2020 nên khối lượng thực hiện để giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 chưa nhiều. Bên cạnh trường hợp chậm thực hiện thủ tục thanh toán, một số dự án phải điều chỉnh nên chậm giải ngân như: Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, dự án cải tạo khôi phục sông Tích…

Đặc biệt, nhiều dự án vướng giải phóng mặt bằng không thực hiện được như: Dự án đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục), dự án xây dựng đường Tam Trinh, dự án xây dựng tuyến đường từ Trạm bơm Cầu Ngà đến Đại lộ Thăng Long…

- Thành phố chỉ đạo, triển khai những giải pháp nào để thúc đẩy giải ngân, thưa ông?

- Mục tiêu của thành phố là phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 chuyển sang năm 2021; phấn đấu hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 ở mức cao nhất.

Thành phố quán triệt các sở, ban, ngành, địa phương xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động...

UBND thành phố đã phân công các Phó Chủ tịch UBND thành phố theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân từng dự án theo ngành, lĩnh vực phụ trách và chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án. Bên cạnh đó, UBND thành phố yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với các dự án mới, thành phố yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công sớm. Với dự án chuyển tiếp, thành phố yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình; khẩn trương giải quyết, hoàn thành công việc còn tồn đọng. Đặc biệt, thành phố yêu cầu các chủ đầu tư làm thủ tục thanh toán ngay sau khi có khối lượng được nghiệm thu; không dồn khối lượng thanh toán vào cuối năm. Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, chủ đầu tư khẩn trương lập, trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán để giải ngân cho các nhà thầu theo đúng quy định pháp luật.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục khó khăn, dồn sức giải ngân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.