(HNM) - Rạng sáng 11-11, bão số 14 (tên quốc tế là Haiyan) đã cập bờ vào khu vực tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng, sau đó di chuyển ngược lên biên giới Việt - Trung rồi suy yếu dần.
Với sự chủ động ở mức cao nhất, khu vực Đồng bằng Bắc bộ đã giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, đến tối 11-11 chưa phát hiện trường hợp người tử vong trong bão. Tuy nhiên, đã có 14 người chết, 4 người mất tích, 81 người bị thương, chủ yếu do tai nạn khi chuẩn bị phòng chống bão ở khu vực miền Trung.
Nhiều cây xanh tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã bị đổ sau khi bão Haiyan quét qua. Ảnh: Anh Tuấn |
Tại Hà Nội, từ đêm 10-11 đến sáng 11-11 đã có mưa. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) thành phố, trong ngày 11-11, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã tích cực triển khai công tác ứng phó theo lĩnh vực được phân công. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bơm tiêu, phòng chống úng ngập ngoại thành; Sở Công thương bố trí các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho nhân dân; Sở Y tế chuẩn bị thuốc men, thiết bị y tế sẵn sàng cấp cứu người bị nạn; Sở Xây dựng chỉ đạo xử lý úng ngập, cây đổ...; UBND huyện Gia Lâm đã tổ chức di dời 6 hộ dân ở thị trấn Yên Viên ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm tại bờ tả sông Đuống.
Đối với khu vực nội thành, các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa đã được mở điều hòa nước; trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I, Đồng Bông II và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống.
* Tại cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình và rút kinh nghiệm phòng chống bão Haiyan vào cuối giờ sáng 11-11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Trưởng ban Chỉ huy PCLB thành phố đánh giá cao sự vào cuộc của các sở, ngành, đơn vị và quận, huyện, thị xã trong việc triển khai các phương án phòng chống mưa bão. Chủ tịch thành phố nhận định, tình hình trên địa bàn thành phố đã cơ bản ổn định, ảnh hưởng do bão Haiyan ở mức độ nhẹ, chưa xảy ra thiệt hại nghiêm trọng; đề nghị các sở, ngành và địa phương tiếp tục bám sát tình hình, tổ chức ứng trực phòng chống các sự cố xảy ra vì sau khi bão qua sẽ có tác động mưa; theo dõi chặt chẽ hồ đập, bảo đảm trữ lượng nước cần thiết tưới cho cây vụ đông và phục vụ sản xuất vụ xuân sắp tới; tiếp tục duy trì chế độ ứng trực cho đến khi kết thúc tác động của cơn bão; tập trung khắc phục các sự cố, thiệt hại do mưa bão gây ra. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng đặc biệt lưu ý cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới ngoài khơi để tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó.
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt đã đi kiểm tra tuyến đê hữu Bùi và hồ Văn Sơn, huyện Chương Mỹ. Phó Chủ tịch đề nghị huyện Chương Mỹ và Công ty Thủy lợi sông Đáy tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hồ đập, đê kè trên địa bàn. Trên cơ sở đó, chủ động phương án điều tiết nước cho hợp lý, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập.
* Bão Haiyan đã đổ bộ trực tiếp vào Hải Phòng, Quảng Ninh, gây ra mưa lớn cho vùng Đông Bắc bộ. Một số tỉnh như Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định... đã có nhà bị hư hỏng, cây xanh gãy đổ. Tại tâm bão đổ bộ tỉnh Quảng Ninh, cột ăng ten phát thanh truyền hình cao hơn 50m tại thành phố Uông Bí đã bị gãy đổ; khoảng 1.000 ngôi nhà bị sập, tốc mái hư hỏng, tập trung chủ yếu ở các huyện Tiên Yên, Vân Đồn, Hải Hà; 6/8 huyện, thành phố bị mất điện hoàn toàn. Tại huyện Cô Tô có 5 tàu bị đắm gồm 2 tàu chở vật liệu và 3 tàu cá; tại Móng Cái có 4 tàu đắm; tại huyện Tiên Yên lũ ống xuất hiện nhưng nước cũng đã rút. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng. Tại Hải Phòng, gió và mưa bão làm thiệt hại gần 4.000ha rau màu; 155ha lúa bị đổ; 60ha thủy sản bị tràn; 9 nhà dân, 1 xưởng sản xuất, 3 lớp học bị tốc mái... Sáng 11-11, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã làm việc với thành phố Hải Phòng về tình hình ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 14. Phó Thủ tướng ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các lực lượng vũ trang và hệ thống các cơ quan thông tin đại chúng đã huy động tổng lực làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành, thông tin thường xuyên, liên tục, hướng dẫn cụ thể, giúp công tác phòng, chống bão đạt hiệu quả.
* Trong khi bão số 14 vừa quét qua nước ta thì ngoài khơi Philippines vừa xuất hiện áp thấp nhiệt đới được nhận định sẽ mạnh lên thành bão vào ngày hôm nay với cường độ
cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Đến tối qua 11-11, cơ quan khí tượng Việt Nam cũng như các đài khí tượng khu vực vẫn chưa đưa ra dự báo về khả năng tràn vào Biển Đông của áp thấp nhiệt đới này. Ngày 11-11, Ban Chỉ đạo PCLB trung ương đã có công điện khẩn gửi các tỉnh từ Quảng Bình đến Cà Mau chủ động các phương án để phòng chống áp thấp nhiệt đới.
* Hà Nội có 15 trường hợp cây gãy, đổ; hầu hết là cây nhỏ có đường kính 15-20cm. Tính đến 10h sáng, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đã cơ bản thu dọn xong cây gãy đổ, bảo đảm không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. * Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, tình trạng úng ngập cục bộ xảy ra trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, mức độ ngập sâu 0,10 - 0,15m. Do trên tuyến không có hệ thống thoát nước, Công ty đã phải vận hành trạm bơm di động. Trong ngày 11-11, các xí nghiệp phụ trách địa bàn tiếp tục thu gom rác, khơi thông dòng chảy, duy trì mực nước thấp trên các hồ điều hòa, mương dẫn đề phòng xảy ra mưa lớn. * Ngày 11-11, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo với người dân vùng lũ cần phải thực hiện bảo đảm vệ sinh thực phẩm: Ăn chín, uống sôi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đồng thời thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước bằng Cloramin B hoặc viên Aquatabs 67mg hoặc những hóa chất khác được sử dụng để khử trùng nguồn nước dùng trong ăn uống và sinh hoạt. Mặt khác, người dân nên thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom xử lý, chôn xác động vật bằng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế chỉ định; kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn… * Chiều 11-11, Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản gửi phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã và các trường trực thuộc nhắc nhở về việc ổn định nền nếp dạy và học sau ngày nghỉ phòng, chống mưa bão. Công văn nêu rõ: Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cơn bão số 14 (Haiyan) đã suy yếu, không còn ảnh hưởng tới khu vực Hà Nội, vì vậy, kể từ thứ ba, ngày 12-11-2013, các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố trở lại dạy và học bình thường. * Sáng 11-11, giá cả của các loại thực phẩm tại thị trường Hà Nội trở lại bình thường. Cụ thể, các loại thịt lợn có giá 80-100 nghìn đồng/kg, thịt gà sống 110-120 nghìn đồng/kg, thịt bò 220-250 nghìn đồng/kg... Những mặt hàng rau củ quả cũng không có biến động, với rau muống: 5.000 đồng/mớ, rau thơm các loại: 2.000 đồng/mớ, su hào: 3.000-4.000 đồng/củ... Y Linh - Thu Trang - Hồng Hạnh - Đức Anh |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.