Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục cơ chế ''xin - cho'' trong phân bổ vốn đầu tư công

Đình Hiệp| 27/07/2021 18:48

(HNMO) - Chiều 27-7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường chiều 27-7.

Hạn chế lãng phí, thất thoát

Dự kiến tổng mức vốn ngân sách nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870 nghìn tỷ đồng, trong đó có 1.500 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách trung ương. Tuy nhiên, điều khiến các đại biểu quan tâm là làm thế nào để khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả; đồng thời xóa bỏ cơ chế "xin - cho", lợi ích nhóm và các hạn chế, bất cập trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

 Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắc Kạn) phát biểu.

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắc Kạn) đánh giá cao kết quả đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vừa qua. Để thực hiện thành công kế hoạch giai đoạn 2021-2025, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất, thiếu tính khả thi trong thực hiện đầu tư công.

"Với các dự án có nguồn vốn đầu tư lớn, cần hạn chế việc giao dồn dập vào năm cuối của giai đoạn khiến địa phương không thể thực hiện kịp. Cùng với đó, cần tách biệt bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trước khi quyết định chủ trương đầu tư nhằm tạo thuận lợi triển khai dự án", đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nêu quan điểm.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) quan tâm đến việc phân cấp ngân sách cho các địa phương cũng như công tác tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. "Nhiều khi việc xây dựng danh mục dự án không xuất phát từ thực tế các địa phương mà do chủ quan của người lập kế hoạch. Theo báo cáo của Chính phủ, có 3.467 dự án chuyển tiếp, song trong đó chỉ có 2.731 dự án có phương án bố trí vốn, còn lại chưa có phương án phân bổ cụ thể", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu ý kiến.

Cho rằng vẫn còn cơ chế "xin - cho" trong việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện. 

Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Ở góc độ khác, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Chính phủ dành nguồn lực quá khiêm tốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho lĩnh vực văn hóa và giáo dục. Cụ thể, nguồn kinh phí phân bổ cho lĩnh vực văn hóa - thông tin là hơn 10,7 nghìn tỷ đồng, còn giáo dục và giáo dục nghề nghiệp là hơn 22,9 nghìn tỷ đồng.

"Với nguồn lực này, chúng ta chưa cân đối và bảo đảm các mục tiêu phát triển của hai lĩnh vực nói trên trong giai đoạn 2021-2025. Tôi cho rằng, quan điểm đầu tư cho văn hóa là đầu tư không có lợi nhuận không còn phù hợp với xu thế hiện nay. Đầu tư cho văn hóa không chỉ mang lại giá trị bảo tồn văn hóa truyền thống, giá trị về biểu tượng trường tồn mang tính hồn cốt của dân tộc, mà còn mang lại nguồn thu không nhỏ cho các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội", đại biểu Dương Minh Ánh nói.

 Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Long An) phát biểu.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Long An) quan tâm đến việc đầu tư, sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho khoa học - công nghệ trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19: "Tôi đề xuất Quốc hội bố trí ngân sách trong giai đoạn 2021-2025 dành ưu tiên cho lĩnh vực này, trước hết là nguồn vốn sản xuất vắc xin phòng Covid-19”.

Từ thực tế cấp bách về vấn đề nhà ở cho công nhân, đại biểu Nguyễn Đình Khang (Đoàn Ninh Thuận) đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, xem xét, bổ sung trong kế hoạch vốn một gói để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, chăm lo cho công nhân - lực lượng đang trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội nhưng rất dễ bị tổn thương.

Tập trung cho các dự án trọng tâm, trọng điểm

Thay mặt Chính phủ báo cáo tiếp thu giải trình các ý kiến tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, những hạn chế, bất cập trong thực hiện đầu tư công thời gian qua liên quan đến nhiều vấn đề, chứ không riêng gì ở thể chế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

"Dù không vướng mắc về Luật Đầu tư công, song thực trạng thời gian qua cho thấy, nhiều địa phương còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Việc lập dự án, phê duyệt cũng như điều chỉnh dự án tại một số địa phương còn chưa bám sát thực tiễn, mà theo tư duy nhiệm kỳ, chạy theo nhà đầu tư, theo phong trào. Thậm chí, nhiều dự án chưa cần thiết hoặc nhiều dự án quy mô lớn vượt quá khả năng của địa phương nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, kéo dài và ảnh hưởng đến các dự án liên quan", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu thực trạng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, từ những bất cập trên, trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ sẽ ưu tiên dự án trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là các dự án vùng, hỗ trợ cho các tỉnh khó khăn phát triển. Đồng thời, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả; xóa bỏ cơ chế "xin - cho", tham nhũng, lợi ích nhóm và các hạn chế, bất cập.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu.

Làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, hiện nay, Chính phủ có nhiều ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất khi đầu tư vào lĩnh vực khoa học - công nghệ để qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với vấn đề tiết kiệm chi thường xuyên cũng như thu - chi ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, dịch Covid-19 đang tác động rất lớn đến mọi mặt đời sống, trong đó, nguồn thu của nhà nước giảm mạnh khi số lượng các doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Vì thế, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các kịch bản để tham mưu Chính phủ điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép", vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

"Chúng tôi sẽ thường xuyên tham mưu Chính phủ, Quốc hội để bảo đảm nguồn thu ngân sách phục vụ phát triển kinh tế và vừa chống dịch. Trong đó, tập trung vào các nguồn thu tiềm năng như nền tảng số, tài nguyên khoáng sản, đất đai… Cùng với các giải pháp được áp dụng để chống thất thu thuế, chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để hạn chế trốn thuế, chuyển giá, đặc biệt là các dự án lớn", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên thảo luận.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có 25 đại biểu phát biểu. Đa số ý kiến thống nhất với nội dung trong các báo cáo, đồng thời đưa ra các ý kiến, kiến nghị cụ thể. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục cơ chế ''xin - cho'' trong phân bổ vốn đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.