Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục "bệnh" chồng chéo, dàn trải

Vân An| 08/11/2011 17:03

(HNMO) – Ngày 8/11, thảo luận ở hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015 và Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015, việc đầu tư, bố trí vốn dàn trải, nội dung chương trình chồng chéo, phân tán… tiếp tục là những hạn chế được nhiều đại biểu đề cập.


Các ý kiến phát biểu đều nhất trí cao với những nội dung được nêu trong báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006-2010 và danh mục chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn năm 2011 - 2015, cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội. Trên thực tế, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006-2010 đã góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề bức xúc, vấn đề an sinh xã hội… Ngoài ra, chương trình, mục tiêu quốc gia còn đẩy mạnh công tác xã hội hóa góp phần đưa Việt Nam hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả này, việc thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia còn tồn tại hạn chế, chủ yếu là nhiều chỉ tiêu của các chương trình, mục tiêu quốc gia chưa đạt; mục tiêu của một số chương trình đề ra chưa rõ ràng, quá rộng, không gắn kết với đầu ra của chương trình; trong quản lý, điều hành các chương trình còn thiếu sự gắn kết giữa các ngành, các cấp; việc huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước tham gia vào chương trình còn ít, hiệu quả, tính bền vững của các chương trình chưa cao…

Theo đại biểu Danh Út - Kiên Giang, việc nhiều nội dung chương trình còn chồng chéo, phân tán, không lồng ghép được với nhau trong quá trình thực hiện; mục tiêu chương trình lớn, rộng nhưng năng lực thực hiện, nhất là ngân sách không đảm bảo đã khiến hiệu quả của chương trình bị ảnh hưởng.

“Tôi đề nghị Chính phủ không dàn trải sau khi Quốc hội thông qua chương trình, Chính phủ cần loại bỏ một số danh mục, tiểu dự án nhỏ không xác định được mục tiêu, nhất là các tiểu danh mục có tên đầu đề như “nâng cao”, “tăng cường”… bởi quá chung chung”, đại biểu Út nói.

Đại biểu Út cũng đề nghị Chính phủ cần cân đối lại cơ cấu các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, bởi vừa qua nhóm chi cho sự nghiệp quá nhiều, chiếm khoảng 80%, vốn chi cho đầu tư chỉ chiếm khoảng 20%. Do vậy, nên tăng vốn cho đầu tư trực tiếp khoảng từ 60-80%, vốn sự nghiệp chỉ nên từ 20 - 40% là phù hợp.


Các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần nâng cao đời sống của người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa


Đại biểu Nguyễn Thanh Hùng - Đồng Tháp cũng đồng tình với quan điểm Chính phủ cần làm rõ hơn về khả năng huy động các nguồn vốn, nguồn lực tài chính, thời gian thực hiện các chương trình và trong cơ cấu nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, đại biểu đề nghị cần tăng nguồn lực nhiều hơn cho chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn lực ngân sách Trung ương dành cho vốn đầu tư.

“Đối với kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 tôi thống nhất với việc rà soát, cắt giảm, giãn, hoãn và chuyển đổi hình thức đầu tư các công trình. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành liên quan cần ban hành nguyên tắc tiêu chí hướng dẫn cụ thể để tránh tình trạng cắt giảm bình quân gây thiệt hại, lãng phí lớn đối với những công trình dở dang, bức xúc”, đại biểu Hùng nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thành Tâm - Tây Ninh ủng hộ việc chấp nhận về nguyên tắc tổng mức đầu tư từ trái phiếu Chính phủ giai đoạn tới là 225.000 tỷ đồng - là mức tối đa – và đề nghị Chính phủ tiếp tục xác định rõ các tiêu chí trong việc thực hiện điều chỉnh phân bổ đầu tư trước khi tiến hành thực hiện tiếp các dự án đầu tư, phải làm nhanh để tránh tính trạng trì trệ, đình đốn.

“Đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội việc kiểm tra kết quả, kiểm tra, rà soát, sắp xếp, bố trí các dự án trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 tại Kỳ họp thứ 3”, đại biểu Tâm nói.

Bàn về cơ cấu nguồn vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Lạng Sơn, việc phân bổ ngân sách Trung ương theo từng chương trình nên dựa vào tính chất đặc điểm và vấn đề cần giải quyết ở từng địa phương để bố trí cho hợp lý, ví dụ như chương trình phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, chương trình dân số nên ưu tiên cho miền núi, chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm ưu tiên cho vùng đô thị, đồng bằng...., không nhất thiết các địa phương đều có sự dàn đều như nhau.

Chung mối quan tâm, đại biểu Trần Quang Chiểu - Nam Định cho rằng, chính việc một số nhiệm vụ thường xuyên của bộ, ngành, địa phương cũng được đưa vào nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia đã dẫn tới sự mất cân đối trong bố trí sử dụng vốn, thể hiện qua tỷ lệ chi thường xuyên còn chiếm tỷ trọng cao so với tỷ lệ chi đầu tư.

“Thực tế cho thấy nhiều chương trình có mức chi sự nghiệp, chi thường xuyên chiếm tới 80%, cá biệt là trên 80%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mục tiêu của dự án của chương trình đề ra là không đạt”, đại biểu Chiếu nhận xét.

Theo đại biểu Chiếu nhất, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá một cách nghiêm túc toàn bộ các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn vừa qua. Trên cơ sở đó, kiên quyết cắt bỏ các dự án hay các nội dung của các dự án bị trùng lặp, mang tính chất chi thường xuyên, hiệu quả không thiết thực mà mục tiêu của dự án chỉ là sản phẩm có tính chất định tính như nâng cao, vận động, tuyên truyền… hay những dự án có nội dung, thời gian thực hiện ngắn hạn.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cũng tán thành cơ bản với danh mục 16 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nên nghiên cứu lồng ghép để giữ ở mức dưới 10 chương trình. Một số ý kiến đề nghị, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được bố trí nguồn lực quá ít và mục tiêu quá rộng, trong khi đó có rất nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khác như về y tế, giáo dục, văn hóa... đều có mục tiêu nhằm vào 19 tiêu chí nông thôn mới. Do đó, nên lồng ghép và tốt nhất là đưa các chương trình mục tiêu quốc gia này vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, coi đây là những chương trình nhánh hoặc chương trình con của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo lịch, sáng mai, 9/11, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015 và Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục "bệnh" chồng chéo, dàn trải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.