(HNM) - Trong 3 tháng đầu năm 2019, cả nước thu hút thêm 10,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng tới 86% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là kết quả “xưa nay hiếm”...
Nhìn chung, cộng đồng đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm những lĩnh vực nhiều tiềm năng ở Việt Nam. Theo ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, những lợi thế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ thúc đẩy nguồn đầu tư của doanh nghiệp EU và vì vậy, bức tranh đầu tư của khu vực này tại Việt Nam đang đứng trước khả năng gia tăng nhanh chóng.
Sản xuất điện thoại tại Nhà máy Samsung (tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: Minh Phương |
Các nhà đầu tư Nhật Bản cũng tiếp tục mục tiêu mở rộng quy mô đầu tư ở Việt Nam, giữ vững vị trí top 5 trong bảng tổng sắp về đầu tư nước ngoài, với hơn 60% doanh nghiệp được hỏi cho biết tin tưởng tương lai kinh doanh trong tương lai trung và dài hạn. Đến nay, doanh nghiệp Nhật Bản vẫn theo đuổi mục tiêu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển hạ tầng, sản xuất đồ gia dụng để tận dụng tiềm năng của một thị trường hơn 90 triệu người tiêu dùng và khai thác lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương quốc tế của Việt Nam.
Trong một diễn biến mới nhất, Tập đoàn Gulf của Thái Lan đang tập trung làm việc với các cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Ninh Thuận để xúc tiến đầu tư Dự án Xây dựng tổ hợp điện khí Cà Ná, với công suất khoảng 6.000 MW. Nếu dự án này được cấp phép thì kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ là cú hích mới, bởi tỉnh này sẽ được bổ sung 7,8 tỷ USD vốn “ngoại”. Với một dự án đầu tư nước ngoài quy mô trung bình hiện đạt khoảng 20-25 triệu USD/dự án, qua đó có thể thấy được quy mô, sức ảnh hưởng rộng lớn của siêu dự án nói trên.
Đương nhiên, dự án sẽ tác động trực tiếp và tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của Ninh Thuận thông qua việc tạo ra việc làm, thu nhập cho hàng vạn lao động cũng như bổ sung nguồn thu cho ngân sách trong tương lai gần.
Đặc biệt, một số ngành sản xuất, phục vụ xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang đứng trước vận hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu nhờ lợi thế do Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại chủ yếu là thông qua ưu đãi thuế. Đơn cử, với ngành Da giày, nhất là chế biến xuất khẩu giày dép, có những thuận lợi rõ rệt.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, do sản phẩm da giày có tỷ lệ cắt giảm thuế suất cao theo cam kết của Hiệp định CPTPP nên dự báo kết quả xuất khẩu sản phẩm sang các nước nội khối có thể tăng từ 10 đến 15% trong năm nay. Vì vậy, một số nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam.
Đơn cử, Công ty Chang Shin của Hàn Quốc vừa đăng ký đầu tư một dự án 100 triệu USD tại tỉnh Đồng Nai để đón lõng lợi thế nói trên. Bên cạnh đó, trước sự hấp dẫn ngày càng tăng của môi trường đầu tư ở Việt Nam, sắp tới cũng sẽ xuất hiện thêm một số dự án thuộc lĩnh vực sản xuất phụ kiện phục vụ ngành Da giày nhằm tham gia sâu hơn chuỗi sản phẩm da giày nói chung.
Trong khi đó, cộng đồng nhà đầu tư Mỹ cũng đang tỏ ra nóng lòng trước mục tiêu đẩy mạnh đầu tư, cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể, một số tên tuổi lớn như Exxon Mobil, General Electronics đang ráo riết tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Exxon Mobil đang ở trong giai đoạn cuối cùng để tiến tới triển khai dự án đầu tư mỏ khí Cá voi xanh ngoài khơi tỉnh Quảng Nam.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đầu tư nước ngoài vẫn sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Việt Nam nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của Chính phủ, nguồn nhân lực ngày càng cải thiện về chất lượng cũng như lợi thế về thuế suất thấp, sự ổn định về chính trị - xã hội...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.