Chiều 25-4, Ban Chỉ đạo của tỉnh Thái Bình về theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng và các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm (Ban Chỉ đạo 1593) ra thông cáo báo chí về kết quả đấu tranh, xử lý ban đầu với ổ nhóm tội phạm do Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương cầm đầu.
Vụ án Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương và đồng phạm là vụ án phức tạp được tỉnh Thái Bình đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 1593 tỉnh để chỉ đạo các ngành chức năng phải làm triệt để, khẩn trương.
Thông cáo nêu rõ, quan điểm của tỉnh Thái Bình trong chỉ đạo xử lý vụ án do Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương cầm đầu là triệt để, khẩn trương, nhưng phải thận trọng, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Tỉnh cũng yêu cầu các ngành chức năng cần căn cứ vào quy định của pháp luật, phối hợp thật tốt, tập trung thật cao, làm thật khẩn trương nhưng phải rất thận trọng để sớm có kết quả điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh từng vụ việc theo đúng quy định của pháp luật để củng cố niềm tin, giải tỏa những bức xúc trong nhân dân.
Vụ án có tính chất phức tạp, bước đầu thấy có rất nhiều đối tượng phạm tội và có những người liên quan thuộc các cơ quan nhà nước ở địa phương, do đó cần phải làm thật kỹ để sáng tỏ mọi vấn đề. Tinh thần chung không để sót, lọt tội phạm và người phạm tội nhưng cũng không làm oan sai cho người vô tội và không có bất kỳ vùng cấm nào. Trong quá trình điều tra, xử lý, khi có kết quả rõ ràng, đủ căn cứ pháp lý thì các cơ quan chức năng kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí.
Đồng thời, trong quá trình điều tra, xác minh, các ngành chức năng cần phát động phong trào để cơ quan, tổ chức, quần chúng nhân dân, người bị hại tố giác, tố cáo hành vi phạm tội của Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương và đồng phạm; đồng thời, có kế hoạch bảo vệ, bảo đảm an toàn cho người phát hiện, tố giác tội phạm.
Nguyễn Xuân Đường (thường gọi là Đường Nhuệ) sinh năm 1971, thường trú tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, tổ 22, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình. Cuối năm 2007, sau khi đi lao động tự do tại Liên bang Nga về địa phương, Đường thường xuyên có biểu hiện tụ tập một số đối tượng không có công ăn, việc làm, gây ra một số vụ cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng.
Năm 2008, Đường kết hôn với Nguyễn Thị Dương (sinh năm 1980, quê quán ở xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Sau khi cưới, vợ chồng Dương, Đường bắt đầu hoạt động môi giới, buôn bán bất động sản.
Qua rà soát từ năm 2010 đến nay, lực lượng công an đã xử lý đối với 20 vụ, 12 đối tượng có mối quan hệ với vợ chồng Đường, Dương. Trong các vụ việc này, chủ yếu là do đàn em của Đường thực hiện, Đường không trực tiếp ra mặt.
Ngày 6-2-2015, Dương thành lập Công ty TNHH một thành viên Đường Dương (tên đề là Công ty bất động sản) hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh doanh bất động sản; vốn điều lệ và vốn pháp định là 6 tỷ đồng.
Từ khi thành lập đến nay, Công ty TNHH Đường Dương chưa thay đổi đăng ký kinh doanh và chỉ nộp tiền thuế môn bài hằng năm, ngoài ra, không phát sinh doanh thu và các khoản thuế khác.
Vợ chồng Dương, Đường tham gia các cuộc đấu giá tài sản, chủ yếu là đấu giá đất và đều lấy tư cách cá nhân. Cuối năm 2017, vợ chồng Dương, Đường tự đứng ra thành lập cái gọi là "Hiệp hội tang lễ Thái Bình" và hoạt động có dấu hiệu bảo kê, cưỡng đoạt tài sản.
Qua tiếp nhận đơn, thư phản ánh thời gian gần đây của một số tổ chức, cá nhân về các hoạt động có dấu hiệu tội phạm của vợ chồng Dương, Đường trên một số lĩnh vực, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo, yêu cầu Công an tỉnh và các ngành chức năng tập trung đấu tranh làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Ngày 9-1-2020, Công an tỉnh Thái Bình đã xác lập chuyên án đấu tranh với Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ), Nguyễn Thị Dương và các đối tượng có liên quan.
Trong đó, vụ án "Cố ý gây thương tích" xảy ra tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, tổ 22, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình là bước đột phá ban đầu để đấu tranh, triệt phá triệt để ổ nhóm tội phạm do Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương cầm đầu.
Từ đây, nhiều vụ án đã được cơ quan điều tra xác minh, điều tra, đến nay đã khởi tố, bắt tạm giam đối với 11 bị can có liên quan đến các vụ án "Cố ý gây thương tích", vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" có liên quan đến vợ chồng Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương và các đồng phạm.
Thông cáo cũng nêu một số kết quả điều tra và thông tin chi tiết về kết quả đấu tranh, xử lý ban đầu với ổ nhóm tội phạm do Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương cầm đầu đối với các vụ án, vụ việc dư luận quan tâm gồm: Vụ án cố ý gây thương tích xảy ra tại số nhà 366, tổ 22, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình; việc phục hồi điều tra vụ án "Cố ý gây thương tích" xảy ra ngày 18-11-2014 tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình; về thông tin thao túng, khống chế, thông đồng trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất của Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương và đồng phạm; vụ án cưỡng đoạt tài sản núp bóng dưới hình thức hoạt động của "Hiệp hội tang lễ Thái Bình" có liên quan đến vợ chồng Đường - Dương.
Về vụ việc dư luận cho rằng, ông Nguyễn Văn Lẫm (Giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết) có địa chỉ tại xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình cùng vợ là bà Phạm Thị Quyết từ những người bị hại, bị Nguyễn Xuân Đường chiếm giữ, đập phá Công ty Lâm Quyết nhưng sau đó lại trở thành bị cáo, thông cáo báo chí của Ban Chỉ đạo 1593 tỉnh Thái Bình nêu rõ theo kết quả điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình, thông tin này là không chính xác.
Ông Lẫm và bà Quyết bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án khác (cụ thể là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ông Đỗ Văn Tới, trú tại số nhà 216 đường Hùng Vương, tổ 13, phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình). Vụ án này đang được Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm do có kháng cáo của ông Lẫm và bà Quyết.
Các vụ án liên quan đến Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương vẫn đang được cơ quan Công an tỉnh Thái Bình tích cực điều tra, làm rõ.
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo 1593 tỉnh Thái Bình cho rằng, những ngày qua, một số báo và trang mạng xã hội đưa nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, suy diễn về vụ việc; thậm chí có những thông tin giật gân, xuyên tạc, bóp méo sự thật gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý của cơ quan chức năng.
Thêm vào đó, trên mạng xã hội còn xuất hiện nhiều thông tin vu khống, bôi nhọ mang tính chất phá hoại của các thế lực thù địch và đối tượng cơ hội chính trị, tạo ra dư luận không đúng, gây hiểu lầm, hoang mang trong xã hội...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.