(HNM) - Ngày 14-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả thi và phổ điểm các môn kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019. Kết quả thi được đánh giá phản ánh thực chất năng lực học sinh, tạo thuận lợi cho xét tuyển đại học, cao đẳng.
Kết quả thi cao hơn năm trước
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, điểm trung bình các môn thi trung học phổ thông quốc gia năm nay cao hơn năm trước. Hầu hết các môn có mức điểm trung bình từ 5 đến 6 điểm. Cả nước có 1.287 bài thi đạt điểm 10; trong đó, môn giáo dục công dân có nhiều điểm 10 nhất với 784 bài thi, tiếng Anh đứng thứ hai với 299 bài, lịch sử đứng thứ ba với 80 bài.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá: "Phổ điểm thi các môn năm nay phản ánh thực chất năng lực của học sinh phổ thông so với chuẩn kiến thức, kỹ năng các em đã đạt được. Tuy nhiên, vẫn còn có sự chênh lệch đáng kể về chất lượng dạy học giữa các vùng, miền".
Tiến sĩ Lê Trường Trùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT có cùng nhận định: Điểm trung bình các môn thi năm nay cao hơn năm ngoái 10%-20%. Điểm thi bảo đảm mức độ phân hóa, tạo thuận lợi cho xét tuyển đại học, cao đẳng. Phổ điểm cũng đặt ra vấn đề đáng lưu tâm về chất lượng dạy, học môn tiếng Anh và môn lịch sử. Với tỷ lệ gần 70% thí sinh có điểm dưới trung bình, đây là hai môn thi có điểm số thấp nhiều nhất trong các môn.
Đáng chú ý, môn tiếng Anh có điểm số thấp nhiều, nhưng điểm số cao cũng khá nhiều so với các môn khác (có 6% bài thi đạt từ 8 đến 10 điểm). Đây có thể là do thực tế chênh lệch về chất lượng dạy và học ở các vùng, miền, cần phân tích kỹ hơn để có giải pháp bền vững.
Theo bảng phổ điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, có khoảng 75% thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên. Mức điểm trung bình 3 môn của mỗi khối dao động ở mức từ gần 16 điểm đến 18 điểm. Đơn cử, khối A0 có điểm trung bình là 17,73; khối A1 có điểm trung bình 17,39; khối B 16,85; khối C 15,64; khối D0 là 15,78…
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, rất yên tâm khi phổ điểm thi các môn và các khối thi năm nay có sự phân hóa tốt.
Còn Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thái Sơn cho rằng, phổ điểm thi năm nay không chỉ tạo thuận lợi trong tuyển sinh của các trường tốp trên, mà còn bảo đảm được nguồn tuyển cho các trường tốp giữa, bởi số thí sinh đạt 17-20 điểm/tổ hợp xét tuyển truyền thống khá dồi dào.
Những lưu ý quan trọng với thí sinh
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi, các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội đã thông tin cho thí sinh về những điều cần làm ngay để bảo đảm tốt nhất quyền lợi học tập của mình.
Bà Cao Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cho biết: "Nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp 12 thông tin cụ thể cho từng học sinh rõ về các quy định liên quan xét tuyển, trong đó lưu ý học sinh căn cứ điểm thi để quyết định điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, bởi đây là cơ hội duy nhất để các em có thể tăng cơ hội trúng tuyển".
Trong trường hợp còn băn khoăn về điểm thi, giáo viên cần hướng dẫn học sinh làm thủ tục phúc khảo. Trong thời gian xét tuyển đại học, cao đẳng, văn phòng nhà trường luôn có cán bộ phục vụ công tác tuyển sinh trực, sẵn sàng hỗ trợ học sinh.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, điều cần làm ngay lúc này là xem xét kết quả thi của bản thân. Nếu còn băn khoăn về kết quả bài thi của mình, thí sinh có quyền làm đơn phúc khảo. Thí sinh đăng ký dự thi ở đâu, nộp đơn phúc khảo bài thi ở nơi đó. Thời gian nộp đơn phúc khảo từ nay đến hết ngày 23-7-2019. Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, hội đồng thi sẽ công bố kết quả phúc khảo.
Trước băn khoăn của nhiều thí sinh về việc căn cứ vào đâu để quyết định có hay không điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo gợi ý: "Từ kết quả thi của mình và phổ điểm thi các môn và các tổ hợp, thí sinh cần nắm được ngưỡng điểm của trường mình quan tâm. Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần tham khảo điểm chuẩn của trường trong 2-3 năm gần đây, để ước lượng cơ hội trúng tuyển, từ đó đưa ra quyết định nên điều chỉnh nguyện vọng hay không".
Trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cũng cần dự phòng một số trường, ngành có điểm chuẩn thấp hơn để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cho mình trong trường hợp điểm chuẩn có biến động.
Thí sinh cần lưu ý, chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần duy nhất bằng một trong hai cách: Theo phương thức trực tuyến (từ ngày 22 đến ngày 29-7) hoặc trực tiếp bằng phiếu (từ ngày 22 đến ngày 31-7).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.