(HNM) - Ngày 19-6, Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT trên toàn quốc. Với số liệu đã có, có thể thấy một "nghịch lý": Những thành phố lớn, nơi có chất lượng giáo dục cao lại "bị" xếp loại trung bình về kết quả thi tốt nghiệp.
Dự kiến, tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc khoảng hơn 99% nhưng Hà Nội "chỉ" đạt 98,24% và TP Hồ Chí Minh là 98,18%. Có hai cách giải thích cho sự thể đáng được nhìn nhận là tréo ngoeo này: Một là, chất lượng giáo dục của 2 thành phố kém hơn "vùng trũng" về giáo dục; hai là, công tác coi thi của các địa phương quá kém.
Chất lượng kỳ thi sẽ được phản ánh đúng khi thực hiện nghiêm túc công tác coi thi. Ảnh: Viết Thành |
Coi thi có "vấn đề"
Năm 2011, tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung trên toàn quốc là 95,72%. Còn ở kỳ thi năm 2012, theo công bố của các địa phương, đa phần đều có tỷ lệ đỗ trên 99%, ở cả hai hệ THPT và bổ túc THPT, trong đó Hưng Yên là địa phương dẫn đầu với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là 99,9%; Hòa Bình 99,87%, Hải Phòng 99,82%, Thừa Thiên Huế 99,7%, Bình Định 99,6%… Đáng chú ý, năm nay, Hà Nội có tỷ lệ đỗ thấp hơn so với nhiều tỉnh được cho là có chất lượng giáo dục kém hơn và dự kiến thấp hơn mức trung bình toàn quốc. Luôn là địa phương dẫn đầu về chất lượng giáo dục và thường miễn nhiễm với những "xu hướng khác lạ", kết quả thi tốt nghiệp THPT của Hà Nội năm nay được dư luận đánh giá là đúng thực chất.
Điều này đã được Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống khẳng định qua phân tích: Tỷ lệ tốt nghiệp của Thủ đô từ năm 2009 đến nay lần lượt là 88,28% - 94,63% - 97,79% - 98,24%. Tỷ lệ tốt nghiệp năm nay chỉ nhỉnh hơn năm trước đôi chút, song đáng chú ý là có sự phân hóa khá rõ về tỷ lệ đỗ khá, giỏi. Có 24,16% số thí sinh đỗ khá, giỏi, cao hơn năm ngoái 5%, trong đó đỗ loại giỏi chiếm 3,7% (năm ngoái là hơn 2%). Trong số 7 gương mặt học sinh (HS) tiêu biểu có mức điểm đỗ cao nhất (từ 56,5 đến 58 điểm), bên cạnh những đơn vị vốn có truyền thống về dạy học tốt như THPT chuyên Nguyễn Huệ, Trường THPT Kim Liên… còn có sự góp mặt của Trường THPT Quảng Oai (Ba Vì).
|
Đánh giá của lãnh đạo ngành GD-ĐT Thủ đô cho thấy một thực tế rõ ràng, công tác coi thi năm nay trên toàn quốc có "vấn đề". Ở Hà Nội, với việc tổ chức hội đồng thi liên trường, khó có điều kiện để xảy ra gian lận tập thể, nhưng ở các tỉnh, khi mỗi trường là một hội đồng thi chắc chắn sẽ dễ dàng "bao" thi. Vụ Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) là một ví dụ điển hình. Đây là một thực tế mà Bộ GD-ĐT chắc chắn đã nhận ra, vấn đề chỉ còn là có chịu thừa nhận hay không mà thôi.
Kết quả thi hay chất lượng một kỳ thi phụ thuộc rất nhiều vào công tác coi thi. Nhận định này có thể thấy rõ không chỉ ở tỷ lệ tốt nghiệp của các địa phương, mà còn qua tỷ lệ tốt nghiệp của từng trường THPT ở Hà Nội. Cần đặt vấn đề mức độ nghiêm túc của các hội đồng thi có sự khác nhau, nhất là khi nhiều trường có đầu vào thấp như Tân Lập, Hồng Thái, Xuân Giang, Bắc Lương Sơn, Lưu Hoàng, Tiến Thịnh, Lý Tử Tấn và một vài trường dân lập lại có tỷ lệ đỗ 100%; trong khi đó, Trường Chu Văn An - đơn vị có điểm đầu vào cao gấp đôi hoặc gần gấp đôi so với các đơn vị nói trên - lại chỉ đạt tỷ lệ đỗ 99,82%. Lãnh đạo Sở GD - ĐT giải thích rằng HS những trường có tỷ lệ tốt nghiệp 100% chỉ đỗ loại trung bình, số HS đỗ khá, giỏi rất ít (Trường Phú Bình chỉ có 3 HS, Nguyễn Trường Tộ chỉ có 2 HS…), còn ở Chu Văn An thì con số này là hơn 50%, nhưng cho biết sẽ xem xét và chỉ đạo các nhà trường tiếp tục rà soát lại kết quả thi của các đơn vị.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2012 của Hà Nội được dư luận đánh giá đúng thực chất. Ảnh: Viết Thành |
Bỏ "thước đo chung"?
Sau vụ Đồi Ngô (Bắc Giang) và thực tế diễn ra tại kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng phải đổi mới kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng "đổi" thế nào cho "mới" để kỳ thi nghiêm túc nhưng không căng thẳng? Đã có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Theo quan điểm của nhiều nhà quản lý giáo dục, đã học thì phải kiểm tra, đánh giá mới có tiến bộ. Kết quả thi là một trong những căn cứ kiểm chứng nội dung chương trình, sách giáo khoa; đánh giá phương pháp dạy của giáo viên, kết quả học của HS, từ đó giúp các cấp quản lý có những điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Quyết định bỏ thi tốt nghiệp tiểu học và THCS, đặc biệt là bậc THCS đã "chứng minh" hậu quả của việc học mà không thi: HS học đến lớp 6 mà vẫn chưa đọc thông, viết thạo; tình trạng ngồi nhầm lớp xảy ra khá phổ biến, đến mức Bộ GD-ĐT phải có một "phong trào" chống ngồi nhầm lớp... Ở cấp THPT, đa phần HS thường chờ đến cuối tháng 3, khi Bộ GD-ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp mới tập trung học, còn các môn không thi thì … bỏ qua. Tổ chức thi đương nhiên là gây tốn kém về thời gian, tiền của, song với những mục tiêu cơ bản nói trên và thực tiễn giáo dục hiện nay thì không thể không thi tốt nghiệp.
Nhưng thi thế nào thì cần phải có nghiên cứu thấu đáo để có một phương án hợp lý nhất. Cách làm hiện nay theo kiểu "rách đâu vá đấy" thực sự không mang lại hiệu quả như mong muốn. Sau vài năm triển khai "Hai không", bệnh thành tích đang có nguy cơ trở lại; có nhiều nguyên nhân song lý do quan trọng là kỳ thi tốt nghiệp THPT được coi là "thước đo chung" cho một nền giáo dục đang rơi vào tình trạng "xôi đỗ". Để không thua kém nơi khác, để học sinh của địa phương mình không "thiệt" so với bạn bè, tỉnh, thành nào cũng cố gắng để có được tỷ lệ tốt nghiệp "đẹp" nhất. Thêm vào đó, sự thiếu nghiêm túc, quyết liệt trong khâu hậu kiểm và xử lý đối với những địa phương có dấu hiệu tiêu cực ở các kỳ thi trước của Bộ GD-ĐT cũng khiến nhiều địa phương "nhờn". Bởi vậy, có một số phương án được đưa ra: hoặc giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương hoặc vùng thi đua tổ chức theo chuẩn chung để các tỉnh, thành không phải "đua tài" cao - thấp, giảm áp lực thi cử và việc dạy - học sẽ đi vào thực chất hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.