(HNMO) - Trước thông tin về vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông phát tán các chất độc hại ra môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân trong khu vực, sáng ngày 30-8, UBND quận Thanh Xuân và Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã mời nhiều cơ quan chuyên môn đến làm việc.
Đã có kết quả phân tích nhiều mẫu xét nghiệm
Cụ thể, UBND quận đã mời các đơn vị gồm: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường); Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế); Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) để khảo sát và quan trắc môi trường; lấy mẫu xét nghiệm đất, nước, không khí tại nơi xảy ra cháy và các khu vực lân cận.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, đơn vị đã sử dụng 1 xe quan trắc môi trường di động để quan trắc tại hiện trường; sử dụng các thiết bị lấy mẫu nước thải tại cống thoát nước khu vực nhà xưởng bị cháy; lấy mẫu không khí tại khu vực nhà xưởng bị cháy và các khu dân cư xung quanh để phân tích.
Lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân thông tin, đến 15h20 cùng ngày, kết quả phân tích các mẫu nước thải, nước sinh hoạt, không khí, bụi đất... từ Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, các thông số như vi khí hậu, nhiệt độ, bụi... ở mức độ bình thường.
Tiếp đó, đến 16h cùng ngày, thông tin của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cũng khẳng định, các chỉ số như thủy ngân, chì, kim loại nặng (được đo bằng máy test nhanh) đều trong ngưỡng cho phép, an toàn đối với con người.
Nhằm bảo đảm độ chính xác cao nhất, các mẫu đất, nước, không khí tại nơi xảy ra cháy sẽ tiếp tục được đưa về phòng thí nghiệm của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường để phân tích, xét nghiệm lần cuối cùng. Kết quả sẽ được thông báo về Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Thanh Xuân.
Cũng theo UBND quận Thanh Xuân, về Văn bản số 112/TB-UBND ngày 29-8 do Phó Chủ tịch UBND phường Hạ Đình ký ban hành, ngày 30-8, Chủ tịch UBND phường Hạ Đình đã ký quyết định thu hồi văn bản này, bởi “không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở”. UBND quận sẽ chủ động cập nhật kịp thời khi có thông tin chính xác và sẽ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của quận để người dân được biết.
Hai người dân và 10 phóng viên đi khám không có dấu hiệu lâm sàng đặc biệt
Về việc 2 người dân và 10 phóng viên tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy trong sáng 30-8 đã đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra sức khỏe, chiều cùng ngày, Trung tâm đã họp báo và cho biết, những bệnh nhân này là những người sống cạnh Công ty Rạng Đông hoặc đã trực tiếp có mặt ở hiện trường vụ cháy nhà kho của Công ty, tiếp xúc với khói từ đám cháy.
Lý do các bệnh nhân trên chủ động đến khám vì họ có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, nhưng mục đích đến bệnh viện để kiểm tra là chính, vì lo lắng trước thông tin có thể hít phải khói chứa thủy ngân từ vụ cháy.
Qua kiểm tra, tình trạng các bệnh nhân ổn định, khám lâm sàng không có dấu hiệu đặc biệt. Về việc các bệnh nhân lo bị nhiễm độc thủy ngân, các bác sĩ đã tiến hành làm xét nghiệm máu để kiểm tra và hiện đang đợi kết quả xét nghiệm để đánh giá nguy cơ.
Về vấn đề mà nhiều người đang lo ngại là nguy cơ nhiễm độc thủy ngân, các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc khẳng định, tất cả lo lắng này mới chỉ là phán đoán. Người dân không nên quá lo lắng, cần bình tĩnh để theo dõi, nếu sức khỏe không có gì bất thường thì không nhất thiết phải đổ xô đi khám, gây quá tải ở bệnh viện. Nếu có các biểu hiện như: Ho, khó thở…, người dân có thể đến các cơ sở y tế tuyến quận, huyện, đã có khả năng để kiểm tra.
Trong một diễn biến khác, thông tin từ Bệnh viện Xây dựng cho biết, 2 chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy điều trị tại đây do ngạt khói trong quá trình làm nhiệm vụ đã ổn định sức khỏe.
Theo Đội Công tác chữa cháy (Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội), trong các vụ cháy đều sinh ra các loại khói, khí độc. Đa số những vụ cháy có trường hợp tử vong đều do hít phải khói, khí độc, chủ yếu là khí cacbon monoxit (CO), chứ không phải tử vong do bị bỏng, cháy; tổn thương ở phổi và đường hô hấp do hít phải khí độc đôi khi xuất hiện sau 24 giờ đến 36 giờ tiếp xúc khiến nạn nhân chủ quan, không kịp xử lý… Bởi vậy, những loại khí độc sinh ra từ đám cháy là nguy hiểm. Tuy nhiên, để biết chính xác mức độ ô nhiễm không khí, nguồn nước, cần có xét nghiệm, phân tích khoa học chứ không thể đo đếm theo cảm tính…
Công ty Rạng Đông khẳng định nguyên liệu sản xuất bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sử dụng, kể cả khi cháy
Ngày 30-8, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã có văn bản gửi UBND quận Thanh Xuân, khẳng định các vật tư, nguyên vật liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn đều an toàn với sức khỏe con người.
Cụ thể, với các loại đèn huỳnh quang, CFL, đèn tròn, bầu đèn làm từ nhựa PC, đạt chứng chỉ UL bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sử dụng, kể cả khi cháy. Vỏ bóng đèn các loại làm bằng thủy tinh không chì, không có các hàm lượng kim loại nặng. Đầu đèn làm bằng nhôm với công nghệ hàn dập không sử dụng thiếc hàn. Dây tóc bằng wofram. Do đó, các khí thải không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Từ ngày 29-8, tất cả các cán bộ, công nhân viên tham gia chữa cháy đều bảo đảm sức khỏe, đã đến Công ty thu dọn và chuẩn bị cho sản xuất. Hôm nay (30-8), các xưởng sản xuất của Công ty đã bắt đầu hoạt động trở lại.
Công ty cam kết ngay sau khi các cơ quan chức năng điều tra xong vụ việc sẽ mời các cơ quan chuyên môn đánh giá tác động đến môi trường và tiến hành xử lý môi trường, bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên và người dân sống xung quanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.