(HNMO) - Ngày 16-3, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Cơ quan Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc (ACRC); Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2016”.
Hội nghị đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh 2016 |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh, tham nhũng đã vượt qua phạm vi biên giới mỗi quốc gia và trở thành vấn đề nhức nhối, đe dọa đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước xác định, tham nhũng là quốc nạn; công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Trong những năm qua, công tác PCTN, lãng phí đã đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp… Năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã thí điểm áp dụng phương pháp đánh giá công tác PCTN của ACRC đối với cấp tỉnh ở Việt Nam. Qua hơn một năm triển khai, dự án “Đánh giá công tác PCTN năm 2016 theo kinh nghiệm của ACRC” (dự án PACA 2016) đã đạt được những kết quả khả quan, thiết thực cho công cuộc PCTN ở Việt Nam.
Làm rõ thêm, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, dự án PACA 2016 được thực hiện từ tháng 12-2015 đến hết tháng 11-2016 với tổng kinh phí là 120.000 USD. Kết quả thành công nhất của dự án là, Thanh tra Chính phủ đã ban hành bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN 2016 khoa học, thống nhất, có tính hệ thống, định lượng bằng các hệ thống chỉ số. Bộ chỉ số PACA 2016 có 4 nội dung chính với 17 tiêu chí và 41 tiêu chí thành phần.
Bốn nội dung chính gồm: Quản lý nhà nước về công tác PCTN (20 điểm); Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa (30 điểm); Việc thực hiện và kết quả thực hiện các biện pháp phát hiện các hành vi tham nhũng (25 điểm); Việc xử lý các hành vi tham nhũng (25 điểm). Việc đánh giá công tác PCTN 2016 được thực hiện 2 bước. Bước 1: UBND cấp tỉnh tự đánh giá, chấm điểm và gửi báo cáo về Thanh tra Chính phủ; bước 2 là tổ công tác của Thanh tra Chính phủ xem các báo cáo, rà soát, đánh giá lại và chấm điểm.
Kết quả cho thấy, điểm số trung bình của cả nước về PCTN 2016 là 58,34/100 điểm. Điểm số của các địa phương có những khoảng cách nhất định, trong đó, địa phương đạt điểm cao nhất là 77,67 điểm và địa phương có điểm thấp nhất là 43,53 điểm. Có 31 địa phương có điểm số thấp hơn điểm số trung bình trên toàn quốc.
Đáng chú ý, kết quả tự đánh giá, chấm điểm của các địa phương và kết quả rà soát, đánh giá lại của Thanh tra Chính phủ có sự chênh lệch đáng kể. Trong đó, chênh lệch cao nhất là 50 điểm, chênh lệch thấp nhất là 4,48 điểm. “Nhìn chung, kết quả công tác PCTN cấp tỉnh năm 2016 còn chưa tương xứng với quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay” – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt nhấn mạnh.
Qua phân tích, PACA 2016 cũng chỉ ra rằng, sự quan tâm của một số UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với hoạt động đánh giá công tác PCTN chưa đúng mức; vẫn còn "bệnh" thành tích. Kết quả này cũng tương đồng với kết quả các bộ chỉ số khác có nội dung lên quan công tác PCTN nói chung như: Chỉ số cải cách hành chính; Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
Tại hội nghị, Phó Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội Nguyễn An Huy đã tham luận nội dung: Chia sẻ sáng kiến, bài học kinh nghiệm cũng như khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai đánh giá công tác PCTN năm 2016 của TP Hà Nội. Ông Nguyễn An Huy cho biết: Kết quả tự chấm của TP Hà Nội là 70,79 điểm, trong đó, công tác quản lý nhà nước về PCTN: 19,4 điểm; kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa: 21,07 điểm; phát hiện các hành vi tham nhũng: 14,7 điểm; xử lý các hành vi tham nhũng: 15,8 điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.