(HNMO) - Với cách thực hiện bài bản, linh hoạt, mềm dẻo, tập trung vào khâu tuyên truyền, vận động, nhiều quận huyện của Hà Nội đã đạt được kết quả đáng kể sau một tháng ra quân lập lại trật tự văn minh đô thị.
Sắp xếp cho hơn 300 điểm bán trà đá vỉa hè
Theo báo cáo của UBND quận Đống Đa, tại địa bàn quận có 4.809 cơ sở kinh doanh thì có 373 cơ sở kinh doanh thường xuyên vi phạm về trật tự đô thị trên các tuyến phố; 58 điểm trông giữ phương tiện không phép; số hàng quán bán nước vỉa hè, nơi công cộng trên địa bàn là 398 điểm; nhà hàng, cửa hàng kinh doanh bán bia là 97 điểm; các điểm kinh doanh hoạt động sau 24h là 70 điểm.
Trong một tháng lập lại trật tự văn minh đô thị, các lực lượng của quận đã tổ chức kẻ vẽ trên 51 tuyến phố chính đủ điều kiện để sắp xếp xe đạp, xe máy; lắp mới 16 biển báo giao thông trên các tuyến phố; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội thống nhất xén hè, giải phân cách để mở rộng lòng đường phố Hào Nam.
Các hộ kinh doanh tại phố Nguyễn Lương Bằng chủ động dỡ bỏ phần công trình lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Bùi Việt |
Về công tác sắp xếp hàng nước vỉa hè, quận Đống Đa cho biết, tổng số hàng nước trên địa bàn quận là 398 điểm, trong đó đã sắp xếp vào trong nhà 101 điểm; sắp xếp vào trong ngõ, ngách là 134 điểm, nghỉ bán hàng 25 điểm và hiện vẫn còn 138 điểm đang được các lực lượng tiếp tục giải quyết. Trên địa bàn có 21 chợ tạm, chợ cóc, trong đó các lực lượng đã giải tỏa được 8 điểm chợ cóc.
Các lực lượng của quận cũng kiên quyết xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, các điểm trông giữ xe trái phép, tháo dỡ các mái hiên di động, biển quảng cáo sai quy định…
Phường Trung Tự xử lý các điểm trông giữ xe vi phạm phát sinh được người dân phản ánh. Ảnh: Bảo Hân |
Cụ thể, các lực lượng của quận đã kiểm tra, xử lý, xử phạt vi phạm hành chính 2.299 trường hợp, trong đó có 1.130 trường hợp ô tô dừng đỗ sai quy định, 630 trường hợp để xe mô tô sai quy định… Số tiền phạt hành chính sau 1 tháng thực hiện việc lập lại trật văn minh đô thị là hơn 1,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng đã tiến hành tháo dỡ 2.082 biển quảng cáo sai quy định, phá dỡ 3742 bục bệ, cầu dẫn sai quy định…
Xử phạt hàng tỷ đồng từ vi phạm vệ sinh môi trường
Theo UBND quận Cầu Giấy, ngay từ đầu năm, UBND các phường và quận đã chủ động ra quân tháo dỡ toàn bộ mái hiên di động, mái che, mái vẩy trên các tuyến ngõ và các điểm tái vi phạm tại tuyến phố có tên trên địa bàn quận. Trong 3 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng của quận đã kiểm tra, xử lý hơn 830 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực trật tự đô thị với số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng; dỡ bỏ toàn bộ bục bệ, cầu dẫn xe trên tuyến phố Trần Quốc Vượng.
Ngoài ra, lực lượng chức năng của quận và các phường thường xuyên kiểm tra, giải tỏa các tụ điểm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán.
Vỉa hè phố Trương Công Giai, quận Cầu Giấy thông thoáng. Ảnh: N.Hương |
Lực lượng chức năng của quận cũng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về xếp hàng sai qui định, chở quá tải trọng cho phép; kiểm tra, xử lý xe taxi, xe hoán cải, xe buýt dừng đỗ sai quy định, xe buýt nhái, không dán biển hiệu, xe ôm, xe taxi dù, xe khách dừng đỗ đón trả khách sai quy định, kiểm tra các điểm trông giữ xe trên phố Tôn Thất Thuyết, Duy Tân... Đội Thanh tra giao thông vận tải quận đã kiểm tra, xử lý 163 trường hợp trong lĩnh vực giao thông với tổng số tiền phạt 338,55 triệu đồng.
Đáng chú ý, UBND các phường đã thành lập tổ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị và vệ sinh môi trường trên địa bàn phường. Đã có 353 trường hợp vi phạm bị xử lý với tổng số tiền phạt 1,165 tỷ đồng.
Về quản lý trật tự xây dựng, UBND quận đã ban hành 40 quyết định xử phạt các công trình xây dựng vi phạm với tổng số tiền 530 triệu đồng.
Có cơ chế duy trì bền vững trên từng tuyến phố
Tại quận Hoàn Kiếm, chỉ sau 20 ngày đầu ra quân xử lý các vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường (từ ngày 10 đến 30-3), toàn quận đã xử lý 1.371 trường hợp vi phạm, thu 731,7 triệu đồng.
Các lực lượng chức năng cũng đã xử lý 504 mái che, mái vẩy, bạt che; 189 bục bệ, cầu dắt xe; 407 biển quảng cáo sai phép.
Tổ tự quản số 2 cùng Hội CCB khu dân cư số 1 phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) ra quân tuyên truyền lập lại trật tự vỉa hè. Ảnh: Viết Thành |
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trật tự đô thị tại các tuyến phố trên địa bàn quận đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ đó, bộ mặt đô thị đã thông thoáng, sạch, gọn hơn trước. Các trường hợp vi phạm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, các phương tiện dừng đỗ xe sai quy định đã được hạn chế. Tại các khu vực thường tập trung đông người, nhất là vào giờ cao điểm như cửa các bệnh viện, trường học, các ngã 3, ngã 4..., tình trạng ách tắc, ùn ứ cục bộ đã giảm.
"Nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành được nâng cao, nhiều đồng chí lãnh đạo phường đã thường xuyên trực tiếp xuống địa bàn thực hiện công tác giải quyết vi phạm. Ý thức tự giác, trách nhiệm của nhân dân trong công tác giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường đã bước đầu có chuyển biến tích cực. Người dân chủ động, tự giác phối hợp với lực lượng chức năng, bảo đảm vỉa hè, lòng đường gọn gàng, ngay ngắn", Phó Chủ tịch quận cho biết.
Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch và duy trì kết quả đã đạt được vẫn gặp nhiều khó khăn như còn tình trạng bày bán hàng hóa lấn chiếm vỉa hè; dừng đỗ, sắp xếp phương tiện sai quy định; vứt xả rác bừa bãi, không thu gom rác thải kịp thời...
Các hộ dân kinh doanh trên phố Tạ Hiện bố trí bàn ghế đúng vạch sơn cho phép. Ảnh: Phạm Hương |
Mặt khác, hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là số điểm giao thông tĩnh, chưa đáp ứng được nhu cầu, phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ cho lực lượng chức năng chưa đáp ứng được yêu cầu cũng khiến việc triển khai kế hoạch có những hạn chế nhất định.
Với đặc thù mật độ dân cư đông đúc, vỉa hè, lòng lề đường chật hẹp, để những vi phạm không "tái phát", thời gian tới, Hoàn Kiếm vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời chỉ đạo các phường xây dựng phương án bố trí lực lượng, phân công trách nhiệm cụ thể đối với chỉ huy, cảnh sát trật tự, cảnh sát khu vực, phối hợp với UBND phường, các ngành, lực lượng tự quản để có cơ chế duy trì bền vững trật tự trên từng tuyến phố.
Có thể thấy, từ thực tiễn triển khai, mỗi đơn vị đều rút ra được những kinh nghiệm hay, phù hợp để duy trì kết quả đã đạt được. Với dấu ấn để lại khá rõ nét qua một tháng đầu, người dân Thủ đô có nhiều hy vọng về một diện mạo mới xanh, sạch, đẹp hơn cho đô thị Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.