Giao thông

Kết nối đường sắt tốc độ cao vào đến ga Hà Nội

Lương Ninh Giang 26/07/2023 - 17:51

Liên danh tư vấn Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển giao thông vận tải (CCTDI) vừa hoàn tất báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối thành phố Hà Nội.

ga-hn.jpg
Đơn vị tư vấn đề xuất kết nối đường sắt tốc độ cao vào đến ga Hà Nội để tăng tính hấp dẫn. 

Theo đó, liên danh tư vấn đề xuất ga đầu mối phía Nam là ga Ngọc Hồi, chuyển depot (nơi lập tàu, tập kết tàu, thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tàu và các tác nghiệp kỹ thuật khác) Thường Tín về khu vực ga Ngọc Hồi. Ga đầu mối phía Đông là ga Lạc Đạo (tỉnh Hưng Yên).

Với ga đầu mối phía Bắc đề xuất bổ sung ga Yên Thường (huyện Gia Lâm) đảm nhiệm chức năng ga đầu mối về hàng hóa; ga Yên Viên đầu mối về hành khách, trong đó bao gồm cả kết nối trung chuyển với đường sắt đô thị (tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi); ga Bắc Hồng (huyện Đông Anh) là ga trung gian có xem xét bố trí dự trữ quỹ đất để phát triển công nghiệp đường sắt.

Ga Hà Nội là ga có chức năng phục vụ hành khách đường sắt đô thị kết hợp với hành khách đường sắt tốc độ cao.

Theo lý giải của tư vấn, quy hoạch mạng lưới bố trí ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Ngọc Hồi, cách xa trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 10km. Như vậy sẽ làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút hành khách đi tàu, đặc biệt là các khu vực phía bắc sông Hồng.

ds-cao-toc.png
Đường sắt tốc độ cao sử dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng đường riêng (ảnh minh họa).

Mặt khác, loại hình đường sắt tốc độ cao sử dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng đường riêng, giao cắt lập thể, không xung đột với các loại hình giao thông đô thị nên về cơ bản sẽ không gặp phải các tồn tại, bất cập của hệ thống đường sắt quốc gia hướng tâm hiện nay. Vì thế, nên kết nối đường sắt tốc độ cao vào đến ga Hà Nội để vừa phục vụ hành khách đường sắt đô thị và hành khách đường sắt tốc độ cao.

Mạng lưới đường sắt khu đầu mối trong tương lai sẽ bao gồm toàn bộ các tuyến hướng tâm như hiện nay và bổ sung thêm 2 tuyến vành đai (vành đai phía đông kết nối Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi đầu tư trước năm 2030 và vành đai phía tây kết nối Ngọc Hồi - Thạch Lỗi đầu tư sau năm 2030); cùng đó là một số tuyến đường sắt hướng tâm mới trên các hành lang có nhu cầu vận tải cao như: Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn.

Trong đó, toàn bộ tuyến đường sắt vành đai phía Tây hiện tại cùng với các đoạn tuyến đường sắt quốc gia phía trong đường Vành đai 4 sẽ từng bước được chuyển đổi công năng thành đường sắt đô thị.

Trong giai đoạn đầu, toàn bộ tàu khách hướng tâm sẽ dừng tại các ga đầu mối trên tuyến vành đai, trung chuyển thông qua hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội (xe buýt, đường sắt đô thị). Riêng tàu khách tốc độ cao tiếp cận vào ga Hà Nội.

Trong giai đoạn sau, các đô thị vệ tinh phát triển đủ lớn, nhu cầu kết nối giữa đô thị vệ tinh và đô thị hạt nhân tăng cao sẽ xem xét tổ chức các đoàn tàu khách ngoại ô chạy hướng tâm để vận chuyển hành khách giữa đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh; hướng đến các đối tượng là người lao động, học sinh, sinh viên có nhu cầu đi lại thường xuyên.

Đối với tàu hàng, tổ chức khai thác liên tuyến thông qua đường sắt vành đai. Trên đường vành đai ngoài các ga lập tàu, sẽ quy hoạch các ga dọc đường vừa có chức năng tác nghiệp kỹ thuật chạy tàu, vừa phục vụ xếp dỡ hàng hóa đáp ứng nhu cầu của địa phương. Trong giai đoạn sau, khi nhu cầu tăng cao, xem xét bổ sung tàu ngoại ô kết nối các trung tâm thành phố đô thị vệ tinh, tàu khách vành đai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối đường sắt tốc độ cao vào đến ga Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.