Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết nối du lịch: Nói dễ, làm khó

Xuân Lộc| 10/11/2011 07:03

(HNM) - Mới đây, tại hội thảo nâng cấp, phát triển tuyến du lịch Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai và Ninh Bình - được đánh giá là những trung tâm du lịch quan trọng ở phía Bắc, đại diện 4 địa phương đều hạ quyết tâm bắt tay chặt chẽ nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế phục vụ cho công cuộc phát triển ngành "công nghiệp không khói". Thế nhưng, trên thực tế, giữa nói và làm vẫn còn khoảng cách khá xa.

Nắm rõ lợi thế…

Ngoài nguồn khách nội địa, tứ giác tăng trưởng du lịch quan trọng ở Bắc bộ này còn có lợi thế cận kề thị trường khách khổng lồ đến từ Trung Quốc. Từ nhiều năm nay, đây là nguồn khách đóng vai trò quan trọng và chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Chính vì vậy, để khai thác tốt nguồn khách trên, theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội, mỗi vùng có một lợi thế riêng nhưng nếu mạnh ai nấy làm thì khả năng thu hút khách không cao. Điều dễ thấy là nếu chương trình tour chỉ gói gọn trong một địa phương thì sẽ thiếu sự đa dạng, sản phẩm kém hấp dẫn khiến thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách đều hạn chế. Do vậy, cách làm hiệu quả nhất là các tỉnh cần phải hợp tác chặt chẽ, xây dựng sản phẩm và xúc tiến du lịch dựa trên thế mạnh của cả vùng.

Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), một trong những thắng cảnh đẹp được rất nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Ảnh: Viết Thành

Nhằm nâng cấp tour du lịch dựa trên thế mạnh tổng hợp của 4 địa phương, trong hai tháng 8 và 9 vừa qua, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã tiến hành cuộc khảo sát quy mô lớn tại một số tuyến điểm, khu du lịch quan trọng trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình và Lào Cai. Kết quả cho thấy, song song với sự phát triển nhanh, mạnh về hạ tầng cơ sở, loại hình sản phẩm du lịch phục vụ khách tại các địa phương nói trên vẫn tồn tại không ít bất cập. Đơn cử như tại khu vực Bãi Cháy (Quảng Ninh), các công trình xây dựng sát biển làm chắn tầm nhìn và cảnh quan. Mặt khác, chất lượng dịch vụ trên một số tàu phục vụ khách du lịch nội địa chưa tốt, chi phí ăn uống trên tàu đắt hơn nhiều so với nhà hàng trên đất liền. Còn tại vùng du lịch đậm đà bản sắc riêng ở Sa Pa (Bắc Hà, Lào Cai), nhiều điểm rác thải chưa được thu gom kịp thời, đường vào các làng bản chưa được nâng cấp, thường xuyên sạt lở vào mùa mưa, thiếu các show diễn, các hoạt động văn nghệ truyền thống phục vụ du khách, tình trạng chèo kéo du khách vẫn phổ biến… Ngay cả Ninh Bình, địa phương sở hữu tiềm năng du lịch lớn, có lợi thế phát triển từ du lịch văn hóa, tín ngưỡng đến du lịch sinh thái, tham quan hang động nhưng theo kết quả khảo sát, việc phát huy lợi thế chưa cho hiệu quả rõ ràng.

Ông Trịnh Minh Tú, Giám đốc Trung tâm Lữ hành Hanoi Toserco cho rằng, những nhược điểm của từng điểm đến sẽ được khắc phục nếu các địa phương thực hiện tốt cam kết tạo dựng mối liên kết bền vững. Trong mối liên hệ ấy, cần có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương. Ngoài việc sử dụng tài nguyên du lịch của nhau, các bên cần tạo dựng sản phẩm du lịch có tính kết nối cao để cùng xúc tiến, quảng bá và quản lý chất lượng sản phẩm.

Phát huy thế nào?

Nếu tạo dựng được mối liên kết bền vững thì hệ thống tour du lịch liên tuyến, vốn đang là sản phẩm đắt khách của các hãng lữ hành, có thể mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho các địa phương. Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) nêu giải pháp: Để kết nối 4 địa phương, ngành du lịch Hà Nội cần đóng vai trò đầu tàu bởi Thủ đô có nhiều thế mạnh, lại là nơi trung chuyển khách quốc tế và có nhiều hãng lữ hành mạnh. Muốn sự liên kết tạo hiệu quả thì bên cạnh vai trò của địa phương cần có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp lữ hành. Các tỉnh cần có chính sách linh hoạt về giá dịch vụ, theo hướng tạo sự cạnh tranh lành mạnh nhưng vẫn có thể kiểm soát để không làm phương hại đến lợi ích chung. Cần định hướng chương trình khuyến mãi để ngay cả trong giai đoạn thấp điểm cũng thu hút được khách. Sắp tới, 4 tỉnh sẽ có văn bản ký kết chặt chẽ, tháo gỡ khó khăn về thủ tục khi tiếp nhận các đoàn khách carnavan, mở thêm tuyến du lịch bằng ô tô để đáp ứng nhu cầu của khách trong đợt cao điểm…

Đã từ lâu, các tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch đã ngồi lại với nhau, "hứa" sẽ phối hợp để đưa du lịch lên tầm cao mới. Thế nhưng, nói như ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai, muốn sự liên kết cho hiệu quả thì không thể làm theo kiểu hình thức, nghĩa là tổ chức lễ ký kết hoành tráng nhưng sau đó mọi sự đâu lại vào đấy. Cách làm như vậy sẽ khiến cho ngành du lịch khó có thể phát triển bài bản, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối du lịch: Nói dễ, làm khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.