Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết nghĩa “huynh đệ” Viên Châu, Phú Nghĩa

Nam Phong| 28/04/2013 07:08

(HNM) - Nghĩa tình sâu nặng được hình thành từ hàng trăm năm nay giữa hai làng Phú Nghĩa xã Phú Đông và Viên Châu xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) đã tạo nên một nét văn hóa đẹp ở một vùng quê thuần nông.

Ông Chu Minh Thăng ở làng Phú Nghĩa, năm nay đã bước sang tuổi 72 nhưng cũng không nhớ rõ nguồn cơn nào mà làng mình và làng Viên Châu đã kết nghĩa "huynh đệ". Ông chia sẻ: "Mặc dù không có bút tích, văn bia nào ở hai làng ghi lại, nhưng từ khi lớn lên đến giờ, tôi đã được ông bà, cha mẹ và các cụ cao niên trong làng truyền lại những câu chuyện tình cảm "huynh đệ" cảm động và đậm chất nhân văn. Sợi dây tình cảm ấy đã gắn bó hàng trăm năm nay, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác mà không bị phai nhạt. "Lời thề" giữa hai làng đã trở thành ý thức tự giác trong ứng xử, giao tiếp trong mỗi người dân Phú Nghĩa và Viên Châu".

Theo thư tịch ghi lại, xa xưa, Phú Nghĩa và Viên Châu là vùng đất cổ và linh thiêng, hợp lưu của sông Đà, sông Lô và sông Thao. "Các cụ thường nói, đất thiêng sinh người hiền nên ở một thời kỳ nào đó, các tiền nhân ở đất Viên Châu và Phú Nghĩa đã kết nghĩa anh em để đùm bọc cùng tồn tại, phát triển" - ông Thăng nói. Ngoài ra, cũng có nhiều huyền tích được một số cụ cao niên kể lại nhằm giải thích ngọn nguồn của mối quan hệ đặc biệt này như bắt nguồn từ tình cảm của hai ông thợ; hai người đi buôn; hai anh em cùng mẹ khác cha... "Điều quan trọng nhất là tình nghĩa giữa hai làng ngày càng bền chặt. Thế hệ chúng tôi rất tự hào và đang gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa có một không hai này" - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đông Phùng Xuân Quang - một người dân làng Phú Nghĩa bày tỏ.

Theo ông Phùng Xuân Quang, ngày nay, người dân hai làng vẫn giữ được 4 "lời thề" được truyền miệng hàng trăm năm qua, gồm: "Không đánh chửi nhau, coi nhau như anh em ruột thịt; thương yêu nhau, bảo vệ giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn; nhường nhịn nhau, không vụ lợi, không mua tranh, bán cướp; đôi bên trai gái không lấy nhau". Ông Trần Anh Tôn, ở thôn Viên Châu, tâm sự: "Những "lời thề" thể hiện cái tình, bình đẳng và lòng nhân ái. Người dân hai làng coi nhau như anh em sinh đôi nhưng không ai nhận là anh. Mỗi khi người dân hai làng gặp nhau, ai cũng gọi người kia là anh và chỉ nhận mình là em.

Ngày nay, những người cùng trang lứa khi gặp nhau vẫn xưng hô như vậy". Việc giúp đỡ nhau giữa hai làng cũng được thể hiện qua những việc làm thiết thực như cùng nhau góp công, góp của xây dựng đình; giúp nhau bảo vệ bình yên thôn xóm... Vẫn theo ông Trần Anh Tôn, một nét đẹp khác là mỗi người dân hai làng khi đi chợ, dù ở chợ nào, khi biết nhau đều nhường nhịn, không mua tranh, bán cướp. Điểm đặc biệt nhất là trong mọi hoàn cảnh, trai, gái hai làng không lấy nhau, điều này được duy trì trong suốt chiều dài lịch sử kết nghĩa hàng trăm năm qua vì người dân quan niệm, "hai làng coi nhau như anh em sinh đôi".

Từ nét đẹp hiếm có này, ngày nay, trong mỗi gia đình người dân làng Phú Nghĩa và Viên Châu đều ý thức giáo dục con cháu giữ gìn gia phong và truyền thống kết nghĩa lâu đời. Vì thế, trải qua các giai đoạn lịch sử, làng Phú Nghĩa và Viên Châu luôn yên bình và phát triển. Phú Nghĩa từ một làng nghèo khó, ở vùng sâu, vùng xa của huyện Ba Vì nay đã vươn mình phát triển. Từ năm 2006, giao thông nông thôn trong làng đã được bê tông hóa bằng nguồn kinh phí đóng góp tự nguyện của nhân dân; 4/5 xóm trong làng có nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp; hộ nghèo đã giảm rõ rệt (toàn xã còn 67 hộ nghèo trên tổng số 1.000 hộ dân), đời sống và thu nhập người dân từng bước được cải thiện...

Đặc biệt, thế hệ trẻ Phú Nghĩa và Viên Châu đều chăm ngoan, học giỏi. Trưởng thôn Viên Châu Trần Thị Minh Huệ cho biết, các gia đình trong làng rất quan tâm đến giáo dục truyền thống để con cháu luôn ghi nhớ và phát huy. Hằng năm, làng Viên Châu luôn có 6-7 cháu đỗ các trường đại học. Ông Trần Văn Chiến có 3 người con đã tốt nghiệp đại học và rất thành đạt trong công việc, tâm sự: "Tình nghĩa làng xóm êm đẹp là nền tảng quan trọng để các thế hệ người Viên Châu rèn đức, luyện tài, trở thành người tốt trong gia đình, công dân có ích trong xã hội. Mỗi người dân ở Viên Châu hay ở Phú Nghĩa hôm nay đều ý thức được điều đó, ra sức học tập, vươn lên trong cuộc sống".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kết nghĩa “huynh đệ” Viên Châu, Phú Nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.