Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết luận thanh tra tại Ngân hàng Agribank

Theo Báo Nhân Dân| 28/01/2014 08:29

Ngày 27-1, Thanh tra Chính phủ ra Thông báo Kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NN và PTNT).


Trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank). (Ảnh: vtc.vn)


Thông báo nêu rõ, bên cạnh những nỗ lực và thành tích đạt được, qua thanh tra cho thấy, hoạt động của Ngân hàng NN và PTNT thời gian qua còn để xảy ra nhiều khuyết điểm trong nhiều lĩnh vực, như hoạt động tín dụng, đầu tư tài chính, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa, đầu tư xây dựng và buông lỏng quản lý.

Thanh tra Chính phủ xác định, từ năm 2009 đến hết năm 2011, Ngân hàng NN và PTNT đã chi tiền môi giới huy động vốn cho đối tượng không phải là các tổ chức tín dụng được cấp phép hoạt động môi giới; chi môi giới huy động vốn với lãi suất vượt mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước (14%/năm), trong đó chi môi giới làm cho lãi suất vượt 14%/năm hơn 283 tỷ đồng. Vi phạm quy định về huy động và cho vay vàng với số lượng lớn, kéo dài, kể cả khi có quy định cấm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Không đánh giá những yếu tố rủi ro và phương án phòng ngừa rủi ro với giá vàng và giá bất động sản. Vi phạm quy định của NHNN về tỷ lệ cấp tín dụng vượt 20% vốn tự có của Ngân hàng NN và PTNT đối với các công ty con mà ngân hàng này nắm quyền kiểm soát, kể cả khi NHNN chỉ đạo bằng văn bản vẫn tiếp tục cho vay với số lượng lớn. Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, từ ngày 1-1-2011 không có nghiệp vụ gửi tiền và nhận tiền gửi giữa các tổ chức tín dụng, nhưng năm 2011, Ngân hàng NN và PTNT vẫn thực hiện gửi tiền và nhận tiền gửi có kỳ hạn với các tổ chức tín dụng khác với tổng doanh số lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, trong đó có nhiều giao dịch gửi tiền và nhận tiền gửi đối ứng cùng giá trị, cùng kỳ hạn. Các giao dịch này thực chất là lách quy định về tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng, làm tăng "giả tạo" tổng tài sản trên báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch. Việc phân loại nợ có nhiều vi phạm dẫn đến chưa phản ánh đúng chất lượng tín dụng, nhất là tình trạng nợ xấu. Thanh tra đã rà soát lại việc phân loại nợ trên số liệu và báo cáo của Ngân hàng NN và PTNT và xác định tỷ lệ nợ xấu là 12,71%; nếu loại trừ các khoản nợ đã cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì nợ xấu là 12,21%; nếu loại trừ nợ xấu đã hạch toán ngoại bảng, cam kết ngoại bảng thì nợ xấu là 9,83%; kết quả kiểm tra trực tiếp 62 hồ sơ tín dụng với dư nợ hơn 15 nghìn tỷ đồng cũng cho thấy, khả năng nợ xấu của Ngân hàng NN và PTNT còn có thể cao hơn.

Cũng qua thanh tra cho thấy, hoạt động đầu tư tài chính của Ngân hàng NN và PTNT có nhiều vi phạm, không hiệu quả, trong đó có trường hợp vi phạm nghiêm trọng, mất vốn lớn hoặc nguy cơ thiệt hại lớn. Năm 2009, các công ty con 100% vốn đầu tư của Ngân hàng này lỗ 1.782 tỷ đồng, năm 2010 lỗ 4.393 tỷ đồng. Đáng lưu tâm là hai công ty cho thuê tài chính ALC I và ALC II có nhiều vi phạm nghiêm trọng, lỗ lớn và mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu. Trong công tác quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng vi phạm ở nhiều khâu với số tiền sai phạm lớn.

Do buông lỏng trong quản lý đã để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại Trung tâm công nghệ thông tin. Trong vụ việc này, mặc dù xác định Nguyễn Ngọc Ánh lợi dụng chức vụ quyền hạn, giả mạo, tham ô tài sản chiếm đoạt của Nhà nước hơn 33 tỷ đồng, có dấu hiệu nghiêm trọng cấu thành tội phạm, nhưng Ngân hàng NN và PTNT xử lý thu hồi tiền chưa đủ và không chuyển cho cơ quan điều tra để truy tố trước pháp luật.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Thống đốc NHNN kiểm điểm và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm về việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quyền chủ sở hữu đối với các vi phạm xảy ra tại Ngân hàng NN và PTNT, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh những sai phạm nói trên. Giao các bộ, ngành liên quan xác định tiêu chí cơ bản làm cơ sở đánh giá hậu quả thiệt hại gây ra trong hoạt động tín dụng, tránh tùy tiện hoặc mâu thuẫn giữa các cơ quan chức năng, gây khó khăn, cản trở và không khách quan trong xử lý vi phạm hoạt động tín dụng hiện nay. Đối với Ngân hàng NN và PTNT, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và từng cá nhân vi phạm được nêu trong Kết luận thanh tra, đồng thời có biện pháp thu hồi số tiền vi phạm. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị chuyển 15 hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm sang Bộ Công an điều tra, xử lý theo pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết luận thanh tra tại Ngân hàng Agribank

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.