Quy hoạch

Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị: Thêm quyết tâm thực hiện những tư tưởng đột phá cho Hà Nội

Bảo Hân thực hiện 03/06/2024 - 06:11

Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị ban hành ngày 24-5-2024 trên cơ sở cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của 2 đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng lưu ý nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân - đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô, nhấn mạnh Kết luận đã củng cố thêm sự tự tin, quyết tâm của cơ quan soạn thảo trong theo đuổi những tư tưởng đột phá cho Hà Nội.

giao-su-tien-si-hoang-van-.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

- Tại Kết luận số 80-KL/TƯ, trong nội dung nhấn mạnh đầu tiên, Bộ Chính trị lưu ý các đơn vị lập quy hoạch phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, có tư duy đột phá cho phát triển Thủ đô. Theo ông, những tư tưởng, tư duy đột phá đó cụ thể là gì?

- Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị bao gồm nhiều nội dung cụ thể, sâu sắc, thể hiện rất rõ sự quan tâm rất lớn của Bộ Chính trị đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; đồng thời cũng đặt ra nhiệm vụ rất lớn cho hai đồ án phải đạt được “tầm” của mình như những vấn đề liên quan đến đột phá, tư duy mới, những tầm nhìn, chiến lược phát triển. Và điều rất mừng là hầu hết những nội dung lưu ý nhấn mạnh trong Kết luận cũng đã được thể hiện trong tinh thần của hai dự thảo quy hoạch. Kết luận này đã củng cố thêm sự tự tin, quyết tâm của cơ quan soạn thảo trong theo đuổi những tư tưởng đột phá cho thành phố.

Tư tưởng đầu tiên, bao trùm nhất là phải định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội hiện đại, đột phá, xứng tầm với thủ đô các nước chứ quy hoạch không chỉ là những điều chỉnh nhỏ, tạo ra những thay đổi nhỏ. Ví dụ, đối với nhiệm vụ cải tạo, chỉnh trang đô thị phải làm sao thay đổi diện mạo từ những đô thị hiện nay còn chưa khang trang, sạch đẹp, thậm chí đang còn tồn tại nhiều bức xúc, thiếu an toàn cho đời sống cư dân, trở thành những khu đô thị văn minh, hiện đại. Hoặc như trục không gian sông Hồng, từ trước đến nay chúng ta đều nhận ra tiềm năng rất lớn nhưng lại không được khai thác, thậm chí đang còn tồn tại những khu vực nhếch nhác, làm mất vẻ đẹp của đô thị.

Kết luận số 80-KL/TƯ đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng, để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô. Hai bên bờ sông Hồng sẽ có sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại, tạo diện mạo mới của Thủ đô. Không gian phát triển sông Hồng sẽ là "biểu tượng phát triển mới" của Thủ đô.

Tương tự, việc đầu tư dứt điểm hạ tầng giao thông công cộng, ưu tiên triển khai sớm hệ thống đường sắt đô thị, nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai… cũng được đề cập đến với những lưu ý đặc biệt. Đây là những yếu tố cốt lõi để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và cũng là nhu cầu tất yếu của một đô thị lớn như Hà Nội.

Rõ ràng, những nội dung trên đều là điểm nhấn quan trọng để thấy rằng hai đồ án quy hoạch phải tạo ra sự thay đổi căn bản, đột phá để Thủ đô sẽ đạt được mục tiêu Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, ngang tầm với thủ đô các nước trong khu vực; đến năm 2050 phải là một trong những thủ đô đứng đầu trong khu vực và ngang tầm với thủ đô các nước phát triển.

thu-do-ha-noi-duoc-dinh-huo.jpg
Thủ đô Hà Nội được định hướng phát triển hiện đại, ngang tầm với thủ đô các nước trên thế giới. Ảnh: Nhật Nam

- Một số chuyên gia quy hoạch cho rằng các yêu cầu cụ thể được Bộ Chính trị đặt ra như bổ sung chức năng lưỡng dụng cho một số sân bay; chuyển đổi công năng trụ sở một số bộ, ngành, doanh nghiệp lớn để ưu tiên xây dựng các bảo tàng, đặc biệt là Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung tâm chính trị Ba Đình… sẽ tạo ra những điều chỉnh đến các đồ án quy hoạch. Ông nghĩ sao về những tác động này?

- Quy hoạch Thủ đô cũng đã nhấn mạnh tính đột phá về hạ tầng đồng bộ, kết nối và liên kết vùng. Thành phố xác định giai đoạn đến năm 2030 tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là việc đầu tư 14 tuyến đường sắt đô thị để giải quyết triệt để vấn đề giao thông khu vực nội đô, xây dựng hệ thống cầu vượt sông nhằm phát triển mạnh về phía Bắc sông Hồng, tăng cường công suất của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, mở thêm sân bay thứ hai nội đô và sử dụng sân bay lưỡng dụng. Cụ thể, các sân bay Gia Lâm, Hòa Lạc sẽ vừa khai thác phục vụ cho dân dụng nhưng đồng thời bảo đảm các chức năng phục vụ an ninh quốc phòng.

Trong quy hoạch cũng đặt ra vấn đề di dời các trụ sở cơ quan, đơn vị ở khu vực trung tâm thành phố, đặc biệt khu nội đô lịch sử, dành các không gian đó xây dựng các bảo tàng, phát triển công nghiệp văn hóa. Kết luận của Bộ Chính trị đã chỉ rất rõ ưu tiên xây dựng Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi cho rằng đây là một nội dung rất rõ ràng và phù hợp với định hướng sau di dời các trụ sở cơ quan, đơn vị trong nội đô lịch sử sẽ ưu tiên phát triển các không gian văn hóa, sáng tạo, không gian công cộng, công viên cây xanh…

- Bộ Chính trị lưu ý nhấn mạnh Quy hoạch Thủ đô cần có tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội. Là một trong những người thiết kế Đồ án Quy hoạch Thủ đô, tư duy và hành động này được ông hiểu cụ thể như thế nào và đã kết tinh ra sao trong sản phẩm của mình?

- Chỉ đạo của Bộ Chính trị cũng đã được các chuyên gia tham gia xây dựng hai đồ án quy hoạch luôn thấm nhuần, trước hết phải có tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu, mang tầm quốc tế. Cho nên, đồ án quy hoạch không đặt vấn đề so sánh Hà Nội với những thành phố trong nước mà phải đặt mục tiêu so sánh với thủ đô của các nước có tính chất tương đồng ở trong khu vực, thế giới. Chính vì vậy, mục tiêu Thủ đô Hà Nội sẽ phải trở thành thành phố kết nối toàn cầu, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Bộ Chính trị cũng đặt ra yêu cầu về tư duy Thủ đô, chứ không phải tư duy của một tỉnh. Điều đó đồng nghĩa với yêu cầu về tư duy lập một quy hoạch cho Thủ đô Hà Nội, cho cả quốc gia chứ không phải là quy hoạch cho một địa phương bất kỳ nào đó trong cả nước. Tất cả những gì tinh túy, cần phát triển nhất đều phải được thể hiện trong các định hướng phát triển Thủ đô, để Thủ đô trở thành hình ảnh đại diện cho sự phát triển thịnh vượng của một quốc gia. Và chính vì vậy, tư duy Thủ đô được thể hiện trong Quy hoạch Thủ đô là tính bao trùm, lan tỏa và quy tụ được những nét tinh hoa, tinh túy, là đại diện của tất cả các vùng miền đất nước cùng hội tụ về.

Còn hành động Hà Nội, đó chính là phải phát huy những giá trị tiềm năng, truyền thống của con người Hà Nội như hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình. Chúng ta phải xây dựng Thủ đô là những không gian văn hóa, phát huy giá trị văn hóa, con người. Những nội dung này phải trở thành hồn cốt đặc sắc của Thủ đô Hà Nội chứ không phải Thủ đô chỉ là yếu tố địa lý, là bộ mặt đô thị văn minh, các công trình hiện đại… Thủ đô phải là không gian để phát huy các yếu tố giá trị con người và văn hóa. Và chính yếu tố con người, văn hóa lại trở thành nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị: Thêm quyết tâm thực hiện những tư tưởng đột phá cho Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.