Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết hợp tuyên truyền và xử phạt

Tuấn Lương| 11/05/2010 07:36

Khu vực nội thành phạt cao hơn 40% đến 200% so với ngoại thành (HNM) - Ngày 20-5, Nghị định (NĐ) số 34/2010/CP của Chính phủ về

* Khu vực nội thành phạt cao hơn 40% đến 200% so với ngoại thành
(HNM) - Ngày 20-5, Nghị định (NĐ) số 34/2010/CP của Chính phủ về "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ" sẽ chính thức có hiệu lực.

Điểm nổi bật của NĐ mới này là Chính phủ cho phép Hà Nội (cùng với TP Hồ Chí Minh) thí điểm áp dụng tăng mức xử phạt nặng đối với các vi phạm trong khu vực nội thành. Tuy vẫn còn phân vân một số vấn đề, nhưng các sở, ngành, địa phương đã vào cuộc nhằm sớm đưa các quy định này vào cuộc sống, qua đó nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Kiểm tra giấy tờ xe một trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại ngã tư Cửa Nam - Điện Biên Phủ. Ảnh: Viết Thành


Bảy nhóm hành vi bị phạt nặng

Theo NĐ 34/2010/CP, có bảy nhóm hành vi vi phạm trong khu vực nội thành sẽ bị xử phạt nặng từ 40% đến 200% so với khu vực ngoại thành và các nơi khác trên cả nước. Chẳng hạn, người đi bộ không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc hiệu lệnh của người điều khiển giao thông sẽ bị xử phạt ở mức 60.000-80.000 đồng. Người đi bộ mang vác cồng kềnh gây cản trở giao thông; vượt qua dải phân cách, đi qua phần đường không đúng nơi quy định; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy sẽ bị phạt tiền từ 80.000-120.000 đồng. Người đi xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường; dừng xe, đỗ xe ở lòng đường gây cản trở giao thông; tụ tập từ 3 xe trở lên ở lòng đường, trên cầu, trong hầm đường bộ; đi không đúng phần đường, làn đường hoặc để xe ở lòng đường, hè phố trái quy định…Với người điều khiển xe ô tô, mức phạt có thể đến "kịch khung" là 2.000.000 đồng nếu đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi ngược chiều; điều khiển xe chạy quá tốc độ hoặc dưới tốc độ tối thiểu trên những đoạn đường có quy định tốc độ tối thiểu cho phép; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông… Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả như tước giấy phép lái xe từ 30 ngày cho đến không thời hạn…

Băn khoăn vùng giáp ranh
Ông Thạch Như Sỹ, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ nay đến ngày 20-5, Hà Nội sẽ tập trung tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng chức năng tham gia xử phạt, triển khai duy tu, duy trì hạ tầng giao thông, bổ sung các biển báo hiệu đường bộ, biển chỉ dẫn, vạch kẻ đường; kiểm tra các điểm giao thông tĩnh. Trước ngày 17-5, Hà Nội sẽ hoàn thành việc xây dựng panô, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại các tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm, đường hướng tâm, khu vực công cộng như đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông), Giải Phóng, đường 5, đường 1, đường 32 (khu vực huyện Từ Liêm và quận Cầu Giấy), Bắc Thăng Long - Nội Bài, Lạc Long Quân, Nguyễn Văn Cừ, Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương, Kim Mã, Giảng Võ, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Tam Trinh, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, khu vực các cầu Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì... Cùng quan điểm tuyên truyền là khâu rất quan trọng, Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT - CATP Hà Nội nhấn mạnh, phải in và phát tờ rơi với nội dung tập trung vào bảy nhóm hành vi nói trên và các biện pháp xử phạt bổ sung. Cùng với đó phải tập huấn chuyên sâu cho các lực lượng chức năng để phối hợp, xử lý đạt hiệu quả. Thời điểm này, khâu tuyên truyền đang được thực hiện khẩn trương, tích cực ở nhiều địa phương.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm là phân định giữa nội thành và ngoại thành, đặc biệt tại các vùng giáp ranh. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT, kiêm Phó Trưởng ban ATGT TP Hà Nội cho biết, đã đề xuất phân 10 quận nội thành và các phường thuộc thị xã Sơn Tây là những khu vực áp dụng mức xử phạt nặng. Các tuyến đường, phố đan xen giữa các quận nội thành và huyện ngoại thành như đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, An Dương Vương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Trãi cũng được đề xuất áp dụng quy định này bởi đây là các tuyến đường, tuyến phố phức tạp về ATGT. Còn các huyện cùng với các xã thuộc thị xã Sơn Tây được phân định là khu vực ngoại thành. Trong tuần đầu tiên nghị định này có hiệu lực (ngày 20 đến 27-5), công tác tuyên truyền vẫn là chủ yếu, chỉ các lỗi nặng mới xử phạt. Tuy nhiên, lực lượng chức năng phải vừa xử phạt vừa tuyên truyền trực tiếp cho người vi phạm.

Được biết, liên ngành sẽ tổ chức cắm biển các khu vực phạt nặng trong nội thành trước. Dự kiến, việc triển khai cắm biển báo hiệu đường bộ giới hạn khu vực nội thành sẽ xong trước ngày 20-5. Vùng nào, khu vực nào thuộc địa bàn giáp ranh sẽ đề xuất với UBND TP, khi nào được phê duyệt sẽ cắm biển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kết hợp tuyên truyền và xử phạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.