Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kế hoạch Condor, hệ thống khủng bố nhà nước xuyên quốc gia

VANKHANH| 30/03/2007 14:14

Nhà độc tài Chile Augusto Pinochet (trái) và nhà độc tài Argentina Jorge Rafael Videla năm 1978Vào những năm 1970, sáu chính phủ Mỹ Latinh do Mỹ hậu thuẫn đã thực thi Kế hoạch Condor - một âm mưu khủng bố  nhằm giết hại những đối thủ chính trị của họ khắp thế giới.

Giữa tháng 4/2001, thẩm phán Rodolfo Canicoba của Argentina phát lệnh bắt giữ quốc tế đối với hai cựu quan chức cao cấp trong chế độ quân sự ở Chile và Paraguay. Hai người này, cùng một viên tướng Argentina cũng bị toà triệu tập, bị cáo buộc phạm các tội ác trong khuôn khổ của Kế hoạch Condor. Vị thẩm phán này chịu trách nhiệm về một trong nhiều vụ điều tra bắt cóc và giết người liên quan tới Condor.

Condor là một mạng lưới quân sự ở Mỹ Latinh, được thiết lập vào những năm 1970 với các thành viên then chốt là Chile, Argentina, Uruguay, Bolivia, Paraguay và Brazil, sau đó có thêm Peru và Ecuador. Nói cách khác, đây là một mạng lưới tình báo và các chiến dịch bí mật, giúp các chế độ quân sự ở Mỹ Latinh săn tìm, bắt giữ và xử tử các đối thủ chính trị ở quy mô xuyên biên giới. Những người tị nạn bỏ chạy khỏi các cuộc đảo chính quân sự và sự áp bức tại nước họ bị ’’thủ tiêu’’ trong các chiến dịch phối hợp xuyên quốc gia. Các chế độ quân sự này bất chấp luật quốc tế và các truyền thống bảo hộ chính trị để thực hiện cuộc thập tự chinh chống cộng tàn bạo của họ.

Vào ngày 22/12/1992, một lượng lớn thông tin về Condor được đưa ra ánh sáng khi thẩm phán Paraguay José Fernandez tới thăm một đồn cảnh sát để tìm kiếm tài liệu liên quan tới một cựu tù nhân chính trị. Ông đã tìm thấy ’’kho dữ liệu khủng bố’’, mô tả chi tiết số phận của hàng nghìn người Mỹ Latinh bị bắt cóc bí mật, bị tra tấn và bị giết hại bởi các lực lượng an ninh của Argentina, Bolivia, Brazil, Chile, Paraguay và Uruguay. Một số quốc gia trong số này từ đó đã sử dụng kho dữ liệu này để truy tố các cựu sĩ quan. Kho dữ liệu lưu hồ sơ của 50.000 người bị giết hại, 30.000 bị thủ tiêu và 40.000 người bị tống giam.

Một câu hỏi đặt ra là vào thời điểm đó Mỹ - nước lo sợ một cuộc cách mạng Marxist trong khu vực - có vai trò thế nào trong Condor. Các tài liệu được tiết lộ gần đây đã tăng thêm sức nặng cho giả thuyết rằng Mỹ đã bí mật giúp đỡ và tạo điều kiện cho các chiến dịch Condor. Chính phủ Mỹ coi các chế độ quân sự Mỹ Latinh là đồng minh trong cuộc Chiến tranh lạnh, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan tình báo của những nước này và tăng cường năng lực cho họ. Như trong bài báo này, các cơ quan hành pháp Mỹ ít ra cũng đã phớt lờ và thỉnh thoảng trợ giúp tích cực một số chiến dịch Condor.

Chiến dịch Condor

Vào những năm 1960 và 1970, các phong trào dân tộc, chủ nghĩa xã hội và dân tuý nổi lên khắp các nước Mỹ Latinh, thách thức những đặc quyền bấy lâu của các chính thể đầu sỏ cũng như các quyền lợi kinh tế và chính trị của Mỹ. Trong bối cảnh này, các nhà chiến lược an ninh quốc gia Mỹ (những người lo sợ một Cuba nữa) và các đối tác Mỹ Latinh của họ đã bắt đầu coi nhiều bộ phận trong xã hội họ là các phần tử lật đổ hoặc có tiềm năng lật đổ chính quyền hiện tại. Học thuyết an ninh quốc gia thời chiến tranh lạnh đã trao cho các chế độ quân sự một sứ mạng cứu thế: cải tổ xã hội và nhà nước của họ cũng như chặn đứng ’’các tư tưởng lật đổ’’.

’’Cuộc thập tự chinh chống cộng’’ này trở thành một cuộc thập tự chinh chống lại các nguyên tắc và thể chế dân chủ, chống lại các lực lượng tiến bộ, tự do và cách mạng. Các lực lượng an ninh tại Mỹ Latinh phân loại và nhằm vào các cá nhân trên cơ sở tư tưởng chính trị của họ chứ không phải các hành động trái phép. Các chế độ này truy tìm những người chống đối và cánh tả, các lãnh đạo nghiệp đoàn và các lãnh đạo của nông dân, các linh mục và nữ tu sĩ, tầng lớp trí thức, sinh viên và giáo viên, và tất nhiên là quân nổi dậy.

Condor chuyên tiến hành các vụ bắt cóc có chủ đích, thủ tiêu, tra tấn và chuyển người qua các đường biên giới. Theo báo cáo 1976 của FBI, Condor có nhiều cấp. Cấp đầu tiên là sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo, trong đó có việc phối hợp giám sát chính trị và trao đổi thông tin tình báo. Cấp hai là các chiến dịch phối hợp xuyên biên giới để tống giam và thủ tiêu những người bất đồng quan điểm. Cấp thứ ba hay ’’Giai đoạn III’’ là cấp bí mật nhất, với việc thành lập các nhóm ám sát đặc biệt từ các nước thành viên để tới bất kỳ nơi nào trên thế giới định vị, theo dõi, ám sát ’’các kẻ thù lật đổ’’. Giai đoạn III nhằm vào các lãnh đạo chính trị, những người có tiềm năng khuấy động các quan điểm thế giới hoặc tổ chức các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ chống các nhà nước quân sự.

Giai đoạn III được tiến hành giữa những năm 1970. Các nạn nhân của giai đoạn này bao gồm Orlando Letelier, Bộ trưởng Ngoại giao Chile dưới thời Tổng thống Salvador Allende và đồng thời là một kẻ thù của chế độ Pinochet; trợ lý người Mỹ Ronni Moffitt của ông tại Washington D.C và lãnh đạo đảng Dân chủ Cơ đốc Chile Bernardo Leighton cùng vợ ông ta ở Rome. Các vụ ám sát trong khuôn khổ Condor ở Buenos Aires được tiến hành chống lại Tướng Carlos Prats - cựu tham mưu trưởng của quân đội Chile, cựu Tổng thống Bolivia Juan Jose Torres; hai nghị sĩ Uruguay nổi tiếng vì sự chống đối chế độ quân sự Uruguay. Trong hai vụ đầu tiên, các nhóm ám sát ’’đã thuê’’ các tổ chức phát xít và khủng bố địa phương giúp thực hiện các tội ác này. Michael Townley, một kẻ ám sát sinh ra ở Mỹ đã thừa nhận vai trò trong các vụ ám sát Prats -Moffitt và Leighton. Rõ ràng Chiến dịch Condor là một hệ thống khủng bố nhà nước có tổ chức với phạm vi xuyên quốc gia.

Theo một báo cáo của Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) năm 1976, Condor đã sử dụng các nhóm biệt kích đa quốc gia để tiến hành các chiến dịch xuyên biên giới. Những lời cung khai của những người sống sót sau các hoạt động đó đã khẳng định điều này. Condor đã sử dụng một hệ thống viễn thông (Condortel) để điều phối các thông tin tình báo, lập kế hoạch cũng như các chiến dịch chống lại những đối thủ chính trị. Một nguồn quân đội Argentina đã nói với một đầu mối liên lạc của Đại sứ quán Mỹ năm 1976 rằng CIA đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập các mối liên kết máy tính hoá giữa các đơn vị tình báo và chiến dịch của sáu nước Condor.

Các tài liệu của Mỹ chỉ rõ các quan chức an ninh nước này coi Condor là một tổ chức ’’chống khủng bố’’ hợp pháp. Chẳng hạn một báo cáo năm 1976 của DIA đã tuyên bố một nhóm Condor có cấu trúc rất giống một nhóm đặc nhiệm Mỹ và mô tả các chiến dịch chung của Condor nhằm tiêu diệt các hoạt động khủng bố Marxist. Báo cáo này lưu ý rằng các sĩ quan quân đội Mỹ Latinh đã khoe khoang về Condor với các đối tác Mỹ của họ. Rất nhiều tài liệu khác của CIA, DIA và Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập tới Condor như một tổ chức chống khủng bố hoặc chống lật đổ và một số mô tả khả năng ám sát của Condor.

Sự hợp tác của Mỹ với Condor

Một vụ then chốt làm sáng tỏ sự tham gia của Mỹ vào các chiến dịch Condor là vụ Jorge Isaac Fuentes, người Chile. Fuentes - một nhà xã hội học - bị cảnh sát Paraguay bắt giữ khi ông đi qua biên giới Argentina sang Paraguay vào tháng 5/1975. Fuentes bị nghi là người đưa tin cho một tổ chức cánh tả Chile. Sau đó, Uỷ ban sự thật và hoà giải Chile biết được rằng việc bắt giữ Fuentes là một chiến dịch phối hợp giữa các cơ quan tình báo Argentina, các nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Buenos Aires và cảnh sát Paraguay. Fuentes bị giao cho cảnh sát Chile, từ đó ông được dẫn tới Villa Grimaldi - một trung tâm giam giữ nổi tiếng của DINA (Cảnh sát mật Chile) ở Santiago. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy ông ở đó, bị tra tấn dã man.

Các tài liệu mới được Mỹ công bố gần đây bao gồm một bức thư từ Đại sứ quán Mỹ tại Argentina thông báo cho quân đội Chile rằng Fuentes đã bị bắt giữ. Ngoài ra, Scherrer, quan chức FBI viết lá thư này, đã cung cấp tên và địa chỉ của ba người đang sống tại Mỹ mà Fuentes đã khai khi bị thẩm vấn.. Scherrer thông báo với các đối tác trong chế độ Pinochet rằng FBI đang điều tra ba người trên. Bức thư này, cùng với các tài liệu khác, khẳng định các quan chức và cơ quan Mỹ đang hợp tác với các chế độ độc tài quân sự và là một mắt xích trong Condor.

Một trong những phát hiện lớn về mối liên hệ của Mỹ với Condor đã nổi lên vào tháng 2/2001: một bức điện năm 1978 của Robert White, Đại sứ Mỹ lúc đó tại Paraguay, gửi cho Ngoại trưởng Mỹ. Tài liệu này cho thấy các mối liên hệ giữa Condor và các trụ sở trước kia của quân đội Mỹ tại vùng kênh đào Panama.

Trong bức điện, White đã thông báo về một cuộc gặp với tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Paraguay Alejandro Fretes Davalos. Tướng Fretes đã xác định căn cứ của Mỹ tại vùng kênh đào Panama là một trung tâm thông tin xuyên quốc gia an toàn cho Condor. Theo Fretes, các giám đốc tình báo quốc gia từ Brazil, Argentina, Chile, Bolivia, Paraguay và Uruguay đã sử dụng một hệ thống mật mã trong mạng lưới viễn thông của Mỹ - mạng lượng bao trùm cả khu vực Mỹ Latinh - để điều phối các thông tin tình báo.

Căn cứ Panama là nơi đặt trụ sở của Bộ tư lệnh phía nam của Mỹ (SOUTHCOM), Lực lượng đặc nhiệm Mỹ và Trường quân đội châu Mỹ (SOA) cùng các cơ sở khác trong phần lớn thời kỳ Chiến tranh lạnh. Hàng chục nghìn sĩ quan Mỹ Latinh được huấn luyện tại SOA, nơi sử dụng các chỉ dẫn tra tấn khét tiếng mà Lầu Năm góc và CIA công bố vào giữa những năm 1990. Các sĩ quan Mỹ Latinh được đào tạo tại đây đã khẳng định căn cứ này là trung tâm của liên minh chống cộng ở châu lục này. Một sĩ quan tốt nghiệp tại đây cho biết: ’’Trường này thường là một bình phong cho các chiến dịch đặc biệt khác, các chiến dịch bí mật’’. Một sĩ quan Uruguay đã từng làm việc với CIA trong những năm 1970 nói rằng CIA không chỉ biết mà còn giám sát các chiến dịch Condor.

Phát hiện thứ hai chính là sự thừa nhận của CIA vào tháng 9/2000 rằng Giám đốc DINA, Manuel Contreras, là một người hoạt động cho CIA từ 1974 tới 1977. Trong thời kỳ đó, Contreras được gọi là ’’Condor 1’’, người tổ chức và ủng hộ hàng đầu Kế hoạch Condor. CIA không tiết lộ thông tin này vào năm 1978 khi một bồi thẩm đoàn liên bang truy tố Contreras về vai trò của ông ta trong các vụ ám sát Letelier-Moffitt. Contreras bị kết án tù tại Chile về tội ác này và bị kết án vắng mặt tại Italia do tấn công Leighton. CIA đã giúp tổ chức và huấn luyện DINA trong năm 1974.

Kế hoạch Condor chính thức chấm dứt với việc lật đổ chế độ độc tài Argentina năm 1983 mặc dù các vụ giết chóc vẫn tiếp tục.

Mặc dù các tài liệu vẫn còn rời rạc và nhiều nguồn tiếp tục được giữ bí mật song ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đã tài trợ và ủng hộ cho các chiến dịch Condor. Các chính phủ dân sự tại Mỹ La tinh ngày nay vẫn đang vật lộn để giải quyết các di sản của khủng bố nhà nước và để kiểm soát các tổ chức an ninh - quân đội vẫn còn uy quyền lớn của họ. Trong khi đó các gia đình vẫn đang cố gắng biết điều gì đã xảy ra với những người thân bị biến mất.

Minh Sơn/VNN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kế hoạch Condor, hệ thống khủng bố nhà nước xuyên quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.