(HNM) - Hai tháng đầu năm nay, ngành du lịch Việt Nam có bước tăng trưởng ngoạn mục với mức tăng lên đến 33% so với cùng kỳ năm 2013 trong đó nhiều thị trường tăng đột biến như Đức (tăng 362%), Tây Ban Nha (112%), Nhật Bản (114%), Nga (170%)...
Hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách quốc tế tham quan ngôi nhà cổ 87 Mã Mây. Ảnh: Nhật Nam |
Khó tìm hướng dẫn viên biết ngoại ngữ không phổ biến
Tính đến ngày 10-3-2014, cả nước có 7.635 hướng dẫn viên (HVD) quốc tế, tuy nhiên số HDV sử dụng tiếng hiếm (tức thứ tiếng không thông dụng) trong ngành du lịch rất ít. Cụ thể, có 418 người sử dụng tiếng Nga, 154 người biết tiếng Tây Ban Nha, 111 người biết tiếng Thái Lan, riêng tiếng Hàn Quốc chỉ có 32 HDV. Về chất lượng, đội ngũ HDV tiếng hiếm hiện nay khá đồng đều bởi phần lớn là những người đã từng sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, có kinh nghiệm và am hiểu nền văn hóa nước nhà. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, HDV tiếng hiếm hiện đang thiếu trầm trọng ở một số địa bàn. Ví dụ, với 418 HDV tiếng Nga, trước đây Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu của khách du lịch Nga nhưng hiện nay do sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường này, cộng với việc lượng lớn khách đổ dồn vào một thời điểm nên đã dẫn đến hiện tượng thiếu HDV, đặc biệt là ở một số tỉnh miền Trung - nơi du khách Nga ưa thích - như Bình Thuận, Nha Trang, Đà Nẵng… Theo dự báo, thời gian tới số lượng khách du lịch đến từ các nước Nga, Tây Ban Nha, Hàn Quốc… sẽ tiếp tục tăng mạnh, nếu Việt Nam không có kế hoạch đào tạo bổ sung thì việc thiếu HDV tiếng hiếm là tất yếu.
Còn theo ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoitourist, hiện tượng thiếu HDV tiếng hiếm ở các công ty du lịch lớn có xảy ra nhưng không nhiều vì các công ty lữ hành chính thống nước ngoài không bán tour gấp mà thường đặt rất sớm nên các công ty trong nước hoàn toàn có thời gian để liên hệ, sắp xếp HDV. Trong trường hợp thiếu HDV tiếng hiếm, các công ty lớn thường sử dụng biện pháp dùng ngôn ngữ thứ ba, đó là tiếng Anh hoặc tiếng Trung. Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện của Vietravel cũng cho biết, nếu làm tốt công tác quy hoạch nhân sự và nắm bắt được nhu cầu của thị trường thì sẽ không xảy ra tình trạng thiếu HDV tiếng hiếm.
Doanh nghiệp chân chính đang chịu thiệt
Trên thực tế, việc thiếu HDV tiếng hiếm khiến nhiều đơn vị lữ hành buộc phải "xé rào", dùng người chưa qua đào tạo chuyên ngành du lịch, không có thẻ hành nghề, thậm chí sử dụng HDV nước ngoài. Theo ông Nguyễn Văn Chương, một HDV tiếng Đức kỳ cựu ở Hà Nội thì hiện tượng sử dụng HDV nước ngoài xảy ra khá phổ biến. Trong quá trình đi tour, ông đã gặp nhiều đoàn khách du lịch có HDV là người nước ngoài ở Mỹ Sơn (Quảng Nam), đầm Vân Long (Ninh Bình), Mai Châu (Hòa Bình)… Đoàn khách hay có HDV nước ngoài nhất là Hàn Quốc. Với một đoàn 50-100 khách thường có 2 HDV nước ngoài đi kèm một HDV người Việt. Các HDV nước ngoài làm hầu hết công việc, từ thuyết minh, tổ chức đến hướng dẫn đoàn… "Hệ lụy của tình trạng này là cơ quan quản lý không biết họ nói gì, tuyên truyền gì cho khách về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của đất nước ta. Nếu họ có thiện cảm với Việt Nam và giới thiệu đúng thì đi một nhẽ, còn nếu không họ có thể nói lệch lạc, không đúng với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước" - Ông Chương cho biết.
Ông Lưu Đức Kế cho rằng, thiếu HDV tiếng hiếm đang là một cái cớ để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn bất chính. Mặc dù Việt Nam đã tham gia WTO nhưng Luật Du lịch vẫn có giá trị, nghĩa là công ty nước ngoài chỉ được mở chi nhánh hoặc liên doanh với các công ty Việt Nam. Họ phải tổ chức tour theo luật, đóng thuế đầy đủ và cạnh tranh bình đẳng với các công ty Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều công ty đang tổ chức tour khép kín, tự móc nối khách, đặt xe, đặt phòng, thuê HDV… và điều này có thể gây phương hại nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Ví dụ, HDV nước ngoài có thể đưa khách du lịch đi mua mật gấu chui, vốn là hàng cấm, hay tìm kiếm các dịch vụ không lành mạnh. Đứng về mặt kinh tế, các doanh nghiệp này cũng gây thất thu thuế vì họ thuê khách sạn, thuê phương tiện, vào nhà hàng nhưng không lấy hóa đơn. Cũng vì lý do này nên giá tour của họ rẻ hơn rất nhiều và doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh được. Để lách luật, họ chỉ thuê HDV Việt Nam có thẻ để "làm vì" nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Hiện tượng này đã xảy ra từ nhiều năm nay nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong một cuộc họp gần đây, một lãnh đạo Sở VH,TT&DL đã khẳng định rằng, việc thanh tra, kiểm tra không khó, chỉ cần vài ngày là có thể "tóm" hết những HDV ngoại làm chui. Nhưng vì lý do tế nhị nên không thể làm mạnh tay, song chính vì vậy mà hậu quả là doanh nghiệp làm ăn chân chính phải chịu thiệt.
Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ngoài nguồn du khách đến từ thị trường gần và thị trường truyền thống Châu Âu, Việt Nam còn quan tâm các thị trường mới nổi như Ấn Độ, các nước thuộc khối Ả rập... Như vậy, trong tương lai, Việt Nam sẽ phải bổ sung số HDV tiếng hiếm, đặc biệt khi đội ngũ này đang ở trong tình trạng "có tuổi". Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, để khắc phục tình trạng thiếu hụt hiện nay, trước mắt chúng ta có thể dùng biện pháp cập nhật thêm ngoại ngữ hiếm cho HDV. Về lâu dài, Việt Nam cần xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực căn cứ theo định hướng phát triển thị trường du khách, chú trọng đào tạo các ngôn ngữ hiếm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.