(HNM) - Vào những năm 1980, cuộc đấu tình báo giữa Liên Xô và Mỹ diễn ra quyết liệt hơn bao giờ hết. Dường như lợi thế đã nghiêng về phía Mát-xcơ-va. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) luôn phải vật lộn với câu hỏi: tại sao các thiết bị nghe lén được Mỹ cài trong trụ sở một số cơ quan sức mạnh của Liên Xô lại ngừng hoạt động, những nguồn tin tốt nhất về Liên Xô của họ bị triệt phá với tốc độ chóng mặt.
(HNM) - Vào những năm 1980, cuộc đấu tình báo giữa Liên Xô và Mỹ diễn ra quyết liệt hơn bao giờ hết. Dường như lợi thế đã nghiêng về phía Mát-xcơ-va. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) luôn phải vật lộn với câu hỏi: tại sao các thiết bị nghe lén được Mỹ cài trong trụ sở một số cơ quan sức mạnh của Liên Xô lại ngừng hoạt động, những nguồn tin tốt nhất về Liên Xô của họ bị triệt phá với tốc độ chóng mặt.
Dấu hiệu của một sự đổ vỡ bắt đầu từ khi Ô-lếch Go-đi-ép-xki, điệp viên Liên Xô đã bị cơ quan tình báo Anh (MI5) tuyển mộ bất ngờ bị gọi về nước. Giám đốc CIA, Uy-li-am Ca-xây khẳng định chắc chắn phải có một chỗ rò rỉ nào đó ngay trong tổng hành dinh ở Oa-sinh-tơn, nhưng không tài nào tìm ra được. Sự việc dần sáng tỏ khi người Mỹ bất ngờ có trong tay một con “cá bự”.
Ngày 1-8-1985, trong khi đi công tác tại Rô-ma (I-ta-li-a), thượng tá Vi-ta-li Y-u-chen-cô, phó trưởng phòng 5 (phụ trách các tổ, lưới tình báo ở nước ngoài), Cục K, Tổng cục 1 của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) đã tranh thủ đi thăm Bảo tàng Va-ti-căng. Tới tối, không thấy Y-u-chen-cô về, các đồng sự của anh ta nháo nhác, lo lắng Y-u-chen-kô đã bị tình báo phương Tây bắt cóc. Tuy nhiên, điều mà họ không bao giờ nghĩ tới là viên sĩ quan cao cấp này đã bỏ vợ, bỏ con, chạy vào Đại sứ quán Mỹ ở I-ta-li-a xin tị nạn chính trị, trở thành quan chức cao cấp nhất của KGB đào tẩu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Người Mỹ vui mừng ra mặt và không một chút nghi ngờ bởi lý do Y-u-chen-cô đào tẩu rất xác đáng: nghi mình bị mắc bệnh ung thư dạ dầy, không còn sống được bao lâu nữa, nhân dịp người tình được điều sang Ca-na-đa công tác, muốn “đầu quân” cho phía Mỹ nhằm lấy ít tiền cùng người tình tiêu dao nơi trời Tây trong những ngày cuối cùng. Ban đầu, Y-u-chen-cô cố gắng thuyết phục người tình cùng mình đào tẩu, nhưng thất bại. Sở dĩ như vậy là do người tình của Y-u-chen-cô bảo rằng cô ta chỉ yêu một thượng tá KGB chứ không phải là một kẻ đào tẩu. Đây là một đòn đánh mạnh với Y-u-chen-kô. Kẻ đào tẩu hi vọng CIA có thể giúp anh ta giữ bí mật, không để bên ngoài biết chuyện anh ta đào tẩu nhằm đổi lấy sự bình yên của vợ, con ở Liên Xô.
Trên thực tế, Y-u-chen-cô đã làm đúng như những gì một kẻ đào tẩu thường làm: cung cấp thông tin để lấy tiền. CIA đã không thất vọng. Với những thông tin Y-u-chen-cô cung cấp, CIA đã xác định được một số con “chuột chũi” làm việc cho KGB, gây ra tổn thất nghiêm trọng cho các lưới tình báo Mỹ hoạt động trên đất Liên Xô. Trước tiên là Ét-uốt Li Hô-uốt, người đã được CIA tuyển mộ vào năm 1981 (lúc 29 tuổi), nhằm đánh sang Liên Xô hoạt động. Trong thời gian huấn luyện chuẩn bị đi công tác, Hô-uốt đã được đọc rất nhiều hồ sơ mật liên quan đến mạng lưới tình báo của Mỹ tại Liên Xô. Tuy nhiên, do không vượt qua được cuộc trắc nghiệm tâm lý cuối cùng và bị phát hiện là có tật mê gái, nghiện ma túy, ăn cắp vặt, nên Hô-uốt bị buộc phải thôi việc. Điều đáng nói là bất chấp sự theo dõi gắt gao của cơ quan an ninh, Hô-uốt sau đó đã biến mất khỏi nơi thường trú tại bang Niu Mê-hi-cô để rồi xuất hiện ở Mát-xcơ-va và xin tị nạn chính trị. Chiến công thứ 2 mà Y-u-chen-cô lập cho CIA là giúp cơ quan này tóm gọn Rô-nan Pen-sơn, nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) từ năm 1965 đến năm 1979, đã thôi việc, từng có thời gian phụ trách việc mua sắm thiết bị, tài chính, lập trình và giải mã… của NSA. Vì khánh kiệt, tên này đã chủ động liên hệ với Đại sứ quán Liên Xô ở Oa-sinh-tơn để thảo luận việc bán thông tin, sau đó sang Áo trao tài liệu cho nhân viên KGB và mỗi lần nhận về 35.000 USD.
Đang được CIA đối xử trọng hậu, ngày 2-11-1985, Y-u-chen-cô lại đột nhiên biến mất khỏi nhà hàng Gioóc-giơ-tao ở Mỹ, thoát khỏi sự “bảo vệ” của CIA và có mặt trong Đại sứ quán Liên Xô ở Oa-sinh-tơn, tuyên bố ba tháng trước đã bị CIA... bắt cóc... Sau đó, Y-u-chen-cô ung dung vẫy tay chào phóng viên báo chí đáp máy bay trở về Liên Xô. CIA bị một vố mất mặt nghiêm trọng. Kết nối các vụ việc với nhau, người ta không thể không đặt câu hỏi: phải chăng đây chính là một kịch bản do KGB dựng lên nhằm đánh vào uy tín, vốn đã xuống quá thấp của CIA? Tuy nhiên, sự thật đó chỉ có KGB và bản thân Y-u-chen-cô rõ, chỉ biết rằng sau sự kiện này, ông Ca-xây đã buộc phải từ chức và Tổng thống Rô-nan Ri-gân buộc phải làm một cuộc thay máu cho cái cơ thể vốn đã quá bệnh hoạn và ốm yếu của CIA.
Vân Khánh(Tổng hợp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.