(HNM) - Họa sĩ Trần Vinh Lưu, người con của đất cảng Hải Phòng tới đây sẽ gửi tới công chúng Thủ đô một triển lãm gồm 250 tác phẩm tranh, tượng, ký họa của ông về đề tài
(HNM) - Họa sĩ Trần Vinh Lưu, người con của đất cảng Hải Phòng tới đây sẽ gửi tới công chúng Thủ đô một triển lãm gồm 250 tác phẩm tranh, tượng, ký họa của ông về đề tài "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Trong khối tác phẩm được thực hiện từ năm 1968 đến nay, nổi bật là bộ 4 bức tranh khắc gỗ lấy ý tưởng từ lời kêu gọi của Bác Hồ năm 1945. Họa sĩ đã dành cho Hànộimới cuộc trò chuyện về bộ tranh tâm huyết của ông.
- Thưa họa sĩ, có phải bộ tranh này ông đã hoàn thành sau hơn 10 năm "thai nghén"?
- Có lẽ cũng phải ngót 20 năm. Năm 1945, Bác Hồ kêu gọi nhân dân đi theo Mặt trận Việt Minh, đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là lời kêu gọi mãi mãi đi vào lịch sử, là nguồn cảm xúc cho các nghệ sĩ sáng tác, trong đó có tôi. Từ những năm 1990, sau khi nghỉ hưu, tôi đã nghĩ đến việc khắc họa 4 bức tranh có tính khái quát những chặng đường lớn của đất nước bắt đầu từ lời kêu gọi của Bác, gồm "Đi theo Mặt trận Việt Minh", "Đánh đổ đế quốc phong kiến", "Quyết tâm thống nhất Tổ quốc", "Phấn đấu dân giàu, nước mạnh". Tôi đã phác bằng chì, rồi mực nho, sau đó lấy ý kiến anh em cựu chiến binh. Mất một thời gian dài ngắm nghía, chỉnh sửa bố cục, nội dung của tác phẩm, đến năm 2007 mới cảm thấy thỏa mãn. Thế là khắc gỗ và in (cười).
- Thưa họa sĩ, những nhân vật biểu tượng trong các bức tranh của ông được thể hiện thế nào để phản ánh rõ 4 nội dung trên?
- Bức thứ nhất "Đi theo Mặt trận Việt Minh" gồm 12 nhân vật. Trong đó có hình ảnh thống khổ của người nông dân cõng bao thóc nộp tô, dắt trâu cày thuê cho địa chủ. Hình ảnh chàng trai vẫy tay lên đường thể hiện việc người dân đã theo lời kêu gọi đi theo Mặt trận Việt Minh. Khối nhân vật gồm 11 người trong bức "Đánh đổ đế quốc phong kiến" thì đa dạng hơn. Trong tranh, lính Nhật, Pháp, cường hào đều ở thế thất bại; bên cạnh đó là hình ảnh vững chãi, tươi sáng của anh bộ đội, chị du kích, cô dân quân… Bức"Quyết tâm thống nhất Tổ quốc" cũng có 12 nhân vật. Đa số là những hình ảnh náo nức của một thời giải phóng miền
"Phấn đấu dân giàu nước mạnh" là bức khắc gỗ thứ 4, trên cùng là chân dung Bác Hồ như là người chỉ đường cho dân tộc Việt
- Ông có thể chia sẻ cho bạn đọc về những điều thú vị quanh chuyện làm tranh khắc gỗ và về bức tranh khắc gỗ đầu tiên của mình?
- Khắc gỗ phải luôn giữ bố cục tốt, sau nữa là đường nét: mắt, mũi, miệng rất nhỏ, làm sao tinh tế và mềm mại. Sứt một tí là hỏng, không phải lúc nào cũng gắn được. Khắc đã phức tạp, thường một tuần, 10 ngày được một bức, nhưng in còn khó hơn. Có bản gỗ in 30-40 bản mới được một bản. Đó là một tác phẩm nghệ thuật, không phải như con dấu đóng cộp cái là được (cười). 4 tranh nói trên khắc bằng gỗ dổi, in bằng giấy rô-ki, dày và dai. Giấy dó dày, in cũng được nhưng khó nét. Nét quá có khi lại cứng. Bức khắc gỗ đầu tiên của tôi thực hiện năm 1968, có tên "Vá áo ở hầm bãi cát Lý Hòa, Quảng Bình" khổ 25x18cm, đã được Bảo tàng Mỹ thuật mua năm 1979.
- Xin cảm ơn họa sĩ!
Thi Thi- thực hiện
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.