Theo dõi Báo Hànộimới trên

John McCain – Người vun đắp mối bang giao Việt - Mỹ

Thu Hằng| 26/08/2018 11:19

(HNMO) -Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, một người bạn lớn của Việt Nam, vừa qua đời sáng nay 26-8 (theo giờ Việt Nam) ở tuổi 81 sau hơn một năm chống chọi với căn bệnh ung thư não.

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain (1936-2018)


Nhiều lãnh đạo đã chia buồn trước sự ra đi của McCain. Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter: “Tôi gửi sự đồng cảm và tôn trọng sâu sắc nhất đến gia đình Thượng nghị sĩ John McCain”.

Cựu Tổng thống George W.Bush bày tỏ: “Một số người có cuộc sống giàu năng lượng đến mức rất khó để tưởng tượng họ phải ra đi. Một số tiếng nói mạnh mẽ đến mức thật khó tưởng tượng có ngày nó phải chấm dứt. John McCain là người có niềm tin sâu sắc và vô cùng yêu nước. Ông ấy đã hết lòng phục vụ đất nước và đối với tôi, ông ấy là người bạn mà tôi sẽ rất nhớ”.

Chia buồn với gia đình người từng là đối thủ tranh cử tổng thống với mình, cựu Tổng thống Obama khẳng định, dù ông và McCain có "sự khác nhau hoàn toàn về gốc gác" và góc nhìn chính trị, thì cả hai cùng “trung thành với điều gì đó cao hơn - những lý tưởng mà người Mỹ và rất nhiều người nhập cư đã chiến đấu và hy sinh vì nó".

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ca ngợi ông McCain là người "luôn đặt phụng sự đất nước lên trên bản thân" và "đại diện cho điều ông tin tưởng rằng, 'một mục tiêu chung không làm mất cái riêng của chúng ta - ngược lại, nó làm lớn hơn nhận thức về cái tôi của mình”.

Một cuộc đời phong phú

Thượng nghị sĩ John McCain sinh ngày 29-8-1936 tại căn cứ hải quân Mỹ Coco Solo ở vùng kênh đào Panama trong một gia đình "nhà binh" danh giá. Ông nội ông, cụ John Sidney McCain (1884 - 1945) nắm quyền chỉ huy đội hàng không mẫu hạm tại mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II. Cha ông, cụ John Sidney McCain Jr (1911 - 1981) là Tư lệnh tàu ngầm và từng làm Tổng tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương. Đây là cặp cha con đầu tiên trong lịch sử Hải quân Mỹ đạt đến cấp bậc Đô đốc bốn sao.

John McCain trong vòng tay ông nội, cụ John Sidney McCain và cha ông, cụ John Sidney McCain Jr, tại Kênh Panama 1936. Ảnh AP


Là cậu bé thông minh nhưng ngay từ nhỏ, John McCain đã tỏ tính khí nóng nảy và ương ngạnh. Vì phải theo cha tới nhiều căn cứ hải quân ở Thái Bình Dương nên suốt thời niên thiếu của mình, cậu đã học qua 20 trường khác nhau.

Tiếp bước truyền thống gia đình, John McCain vào học tại Học viện Hải quân ở Annapolis. Trong trí nhớ bạn bè, John McCain là một anh chàng hiếm khi tuân thủ kỷ luật và không biết sợ là gì. Cậu thường cãi lại ban giám hiệu, yêu đương nhăng nhít, ham uống rượu... nên hay bị kỷ luật. Cuối khóa học (1958), học viên John McCain chỉ được xếp thứ 5 từ dưới lên về thành tích học tập.

Sau khi tốt nghiệp sĩ quan hải quân, John McCain trải qua khóa huấn luyện phi công tại hai Căn cứ Không lực Hải quân là Pensacola (Florida) và Corpus Christi (Texas). Tốt nghiệp, chàng sĩ quan đẹp trai với biệt danh "Ace McCain" (Át chủ bài) trở thành phi công hải quân lái máy bay cường kích từ hàng không mẫu hạm.

Năm 1962, John McCain phục vụ trên tàu sân bay USS Enterprise trong suốt thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa ở vịnh Caribbe. Tháng 12-1966, ông chuyển sang tàu sân bay USS Forrestal lái phi cơ A-4 Skyhawk. Tháng 9-1967, John tình nguyện gia nhập Phi đoàn Tấn công 163 trên tàu sân bay USS Oriskany. Một dấu ấn không bao giờ quên trong cuộc đời John McCain là máy bay của ông bị bắn rơi khi tham gia cuộc oanh kích nhà máy điện Yên Phụ, Hà Nội năm 1967. Phải nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch, “giặc lái Mích Kên" nhập trại Hỏa Lò và chỉ được phóng thích trở về Mỹ hơn 5 năm sau đó.

Ngày John McCain xem bức ảnh do TTXVN chụp cảnh ông được kéo lên ở hồ Trúc Bạch sau khi nhảy dù năm 1967


Năm 1981, Đại tá John McCain giải ngũ, chuyển về sống ở bang Arizona và bắt đầu tham gia chính trị. Ông thắng cử hai nhiệm kỳ Hạ viện Mỹ (1982-1986) và sáu nhiệm kỳ Thượng viện Hoa Kỳ.

Được đánh giá như một chính khách "ăn sóng nói gió", Thượng nghị sĩ John McCain là người có quan điểm cứng rắn về đối ngoại. Ông được nghị sĩ cả hai đảng tôn trọng vì thường ủng hộ đối thoại văn minh và nhượng bộ giữa hai bên. Năm 2008, ông được đảng Cộng hòa bầu chọn làm ứng cử viên ra tranh chức Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, ông đã chịu thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng trước đối thủ đảng Dân chủ là Thượng nghị sĩ Barack Obama với số phiếu cách biệt.

Người khách đặc biệt của Hilton Hanoi

Trong những năm 60 của thế kỷ trước, John McCain đến Việt Nam tham chiến trong khi cha ông là chỉ huy lực lượng Mỹ tại đây. Sau này, trong cuốn tự truyện “Faith of My Fathers” (tạm dịch “Niềm tin của dòng tộc tôi” - 1999) John McCain đã kể về khoảng thời gian "không thể quên" khi bị bắt giữ làm tù binh tại nhà tù Hỏa Lò, thường được biết đến với cái tên Hilton Hanoi.

Tù binh John McCain được khám bệnh tại Hà Nội mùa thu 1967. Ảnh AP


Buổi sáng ngày 26-10-1967, Thiếu tá Hải quân Hoa Kỳ 31 tuổi John McCain nhận nhiệm vụ thả bom nhà máy nhiệt điện Yên Phụ tại trung tâm Hà Nội. Phi cơ A-4 Skyhawk của McCain bị hỏa tiễn chống phi cơ SA-2 do Liên Xô chế tạo bắn trúng. Kịp bung ra khỏi chiếc máy bay cháy ngùn ngụt, John McCain gần như bị chết chìm khi rơi xuống hồ Trúc Bạch. Sau khi được đưa vào bờ, viên phi công này chỉ coi thoi thóp thở. "Giặc lái Mích Kên" được sơ cứu vết thương và chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Hai ngày sau khi phi cơ rơi, câu chuyện về tù binh John McCain xuất hiện trên trang nhất tờ The New York Times, nhờ đó, mọi người mới biết giặc lái này là con một đô đốc cao cấp của quân đội Mỹ.

Nhà văn Nguyễn Tuân từng viết ký sự khi hỏi chuyện John McCain tại giường bệnh của Viện 108. Trong bài ký “Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào” viết vào Noel 1967, cụ Nguyễn tả: “Tôi gặp thằng quan tư Mích Kên tại nhà thương. Đẩy cửa kính, đứng giữa buồng bệnh trắng lớp lặng tờ, trên giường sắt sơn trắng, trên đệm trắng thẳng cẳng nằm dài một người cứng đờ cánh tay. Cánh tay phải kia giơ lên cũng trắng bệch, cứ giơ mãi như thế để tan loãng vào cái trắng nhời của buồng bệnh thắp đèn hơi thủy ngân bóng hình ống. Giữa cái thế giới bệnh bạch lôm lốp ấy, lờ đờ một đôi mắt nhiều lòng trắng và rậm lông mày”.

Đáp ứng lời đề nghị từ John McCain, cụ Nguyễn đã châm cho bệnh nhân đặc biệt này điếu thuốc Điện Biên và sau đây là trích đoạn bài ký:

“- Vâng, tôi nhận được lệnh đánh Khu Sáu, tức Hà Nội, vào lúc 10h sáng hôm đó, (giờ Sài Gòn, giờ Hà Nội là 9h). 12h kém 10 thì tôi rời boong hàng không mẫu hạm. Và sự việc những phút sau như thế nào khi tôi vào bầu trời miền Bắc thì các ông đã biết cả rồi. Vâng, thưa ông, tôi bay trên miền Bắc tất cả là 23 lần. Ở miền Nam thì chưa bay lần nào.

Tôi có bay vào và có đánh Hải Phòng 6 lần. Chưa bay vào Hà Nội, trừ cái lần vừa rồi. Đại đội tôi có 14 chiếc là đại đội chuyên đánh thứ bom điện tử định hướng. Tôi chỉ huy một phi đội hai chiếc A-4 cường kích. Đó là lần đầu tôi đánh Hà Nội.

- Là lần đầu?
- Và là lần cuối cùng.
-Nếu anh được cấp trên cho chọn giữa hai mục tiêu nhà máy nhiệt điện và cầu sắt dài trên sông Hồng, thì anh chọn cái nào?
-Cả hai đều xấu cả, nghĩa là đều nguy hiểm cả, nhưng có lẽ đánh cầu thì tôi nghĩ có phần còn dễ đánh hơn nhà máy đèn. Nhưng tôi tin rằng, nếu chúng tôi có đánh trúng nhà máy đèn thì các ông vẫn có những cách riêng để giải quyết vấn đề ánh sáng cho Hà Nội.

-Anh đánh nhà máy đèn trung ương Hà Nội mà lúc này, đèn điện vẫn cháy đều trên giường bệnh của anh, cũng như vẫn cháy đều ở khắp nơi khác của Hà Nội ngoài nhà thương này, thì anh có cảm tưởng gì?
-Thưa ông, tôi không buồn mà cũng không vui. Tôi chỉ mong chiến tranh Việt Nam sớm kết thúc để tôi được tha về…

-Nếu trong tình hình nào đó mà được trở về Hoa Kỳ thì người quan tư tàu bay Hoa Kỳ kia sẽ làm nghề gì?
-Tôi sẽ viết sách. Tôi cũng muốn viết sách.
-Viết sách nhưng viết cái gì? Viết về những cái gì? Viết về Việt Nam, về chiến tranh Việt Nam?
-Không, tôi sẽ viết về châu Âu, những kỷ niệm mấy năm vừa rồi của tôi tại châu Âu. Tôi không viết về Việt Nam và cũng không viết về chiến tranh.

-Tại sao không muốn viết về Việt Nam và chiến tranh Việt Nam?
-Vì tôi cho rằng tôi chưa biết gì lắm về Việt Nam. Vì tôi nghĩ rằng tôi cũng chưa hiểu gì lắm về chiến tranh…”.

Thượng nghị sỹ John McCain cầm những bức ảnh chụp ông năm 30 tuổi bên ngoài bảo tàng Quân đội tại Hà Nội tháng 10-1992


Hàng trăm phi công Mỹ bị bắt làm tù binh, trong đó có John McCain, là một "chiến lợi phẩm" đặc biệt của Hà Nội, góp phần tạo nên sức nặng trên bàn đàm phán để đi đến kết thúc chiến tranh Việt Nam. Sau khi Hiệp định Paris được ký tháng 1-1973, toàn bộ số phi công này được phóng thích. Tổng cộng, John McCain có 5 năm rưỡi bị giam giữ ở miền Bắc Việt Nam.

Đi đầu vun đắp mối bang giao Việt - Mỹ

Trở về từ cuộc chiến, cùng với nhiều cựu binh khác trong chiến tranh Việt Nam, những người giữ trọng trách trong hệ thống chính trị và công quyền Mỹ như Thượng nghị sĩ John Kerry, Chuck Hagel, Bob Smith, Pete Peterson..., Thượng nghị sĩ John McCain đã đóng góp tích cực vào quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Từ phía đối lập, ông trở thành một trong những "người bạn" của Việt Nam. Ông chính là người đi đầu trong việc khởi động các cuộc đối thoại sớm với Việt Nam, hy vọng đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh "bầm dập, gây chia rẽ" đối với nước Mỹ và nhiều thế hệ người Mỹ.

Cựu ứng viên Tổng thống Mỹ này đã trở lại Việt Nam, tìm thăm lại những địa danh, di tích vốn làm nên "duyên nợ" giữa ông với mảnh đất này. Năm 1985, lần đầu tiên, ông trở lại Hà Nội để thực hiện một phóng sự đặc biệt cho CBS News và xúc động khi nhìn thấy đài kỷ niệm được dựng lên nơi "giặc lái Mích Kên" nổi tiếng được kéo lên từ hồ Trúc Bạch.

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ giai đoạn 2001-2007 Nguyễn Tâm Chiến kể lại, năm 2001, trong buổi gặp đầu tiên với Thượng nghị sĩ John McCain tại căn phòng của ông ở Hoa Kỳ, ông McCain đã chỉ vào một bức ảnh trên tường chụp cái bia đá bằng ximăng trên đường Thanh Niên (Hà Nội) và nói: “Đây là bức ảnh tôi quý nhất. Đại sứ biết không, đó là bức tượng duy nhất của tôi được dựng trên thế giới”… và ông nhắc lại: “Tôi quý nhất bức tượng đó tuy có một chi tiết ghi không chính xác. Tôi là phi công của Hải quân Mỹ chứ không thuộc lực lượng Không quân Mỹ”.

John McCain bên đài kỷ niệm "giặc lái Mích Kên" ở hồ Trúc Bạch, Hà Nội


Đầu những năm 90, trong bối cảnh chính trường Mỹ còn chưa quên mối hận thất trận và vấn đề tù binh chiến tranh cũng như lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (POW/MIA) được chính trị hóa, Thượng nghị sĩ John McCain đã nhiều lần trở lại Việt Nam. Với tư cách là thành viên thuộc Ủy ban Thượng viện đặc trách vấn đề POW/MIA, ông John McCain có nhiệm vụ điều tra số phận của các quân nhân Mỹ được liệt kê là mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Lúc đó, dư luận Mỹ cho rằng ở Việt Nam vẫn còn người Mỹ còn sống. Họ bị giam giữ để làm con tin và đòi bồi thường. Sau một quá trình làm việc nghiêm túc và sự hợp tác đầy thiện chí của Việt Nam, báo cáo dày 223 trang của Ủy ban nói trên (do Thượng nghị sĩ John Kerry làm chủ tịch) kết luận: "Không có bằng chứng thuyết phục nào chứng minh rằng còn có người Mỹ vẫn còn sống và làm tù binh tại Đông Nam Á".

Ngài John McCain và  ngài John Kerry luôn đi đầu trong việc khởi động các cuộc đối thoại sớm với Việt Nam. Ảnh chụp tháng 6-1992


Không chấp nhận kết luận này, tại Washington, một "mặt trận" chống John McCain và John Kerry hình thành. Cuộc điều tra thứ hai được yêu cầu. Một lần nữa, báo cáo của Ủy ban Thượng viện đặc trách vấn đề POW/MIA ngày 13-1-1993 kết luận "không còn tù binh Mỹ ở Việt Nam". Báo cáo hoàn thành thời điểm ông Bill Clinton vừa bước vào Nhà Trắng. Trong cuộc gặp quan trọng với Tổng thống ngày 11-6-1993 tại phòng Bầu dục, cùng với Thượng nghị sĩ John Kerry, Thượng nghị sĩ John McCain thuyết phục Tổng thống Bill Clinton bãi bỏ cấm vận Việt Nam mà theo ông là "đã đến lúc hàn gắn. Đó là cách để kết thúc chiến tranh, đến lúc nhìn về phía trước".

Tháng 1-1994, Nghị quyết Thượng viện về việc xóa lệnh cấm vận Việt Nam do hai ông John McCain và John Kerry soạn được chính thức bàn thảo tại Quốc hội. Nghị quyết được thông qua mở đường cho Tổng thống Mỹ Bill Clinton ra quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam ngày 3-2-1994. Hơn một năm sau, ngày 11-7-1995, ông Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

John McCain trong chuyến trở lại Hà Nội lần đầu tiên năm 1985 để thực hiện một phóng sự đặc biệt cho CBS News.


Ông John McCain từng bày tỏ: “Tôi đã trở lại Việt Nam rất nhiều lần. Tôi rất ấn tượng về quá trình phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Mỹ kể từ khi bình thường hóa quan hệ song phương. Tôi rất ấn tượng với các tiến bộ về kinh tế và gia tăng thương mại giữa hai nước. Tôi tin rằng, đã đến lúc chúng ta chuyển từ việc bình thường hóa quan hệ song phương sang hiện đại hóa những liên hết giữa hai nước cho tương xứng với vị thế ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
John McCain – Người vun đắp mối bang giao Việt - Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.