(HNMO) - Theo các chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao nhờ vào nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Để đạt được mục tiêu quốc gia cơ bản trở thành nước công nghiệp đến năm 2020, Việt Nam cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để đạt được thành công trong quá trình công nghiệp hóa đất nước.
Việt Nam đã và đang gặp phải vấn đề thiếu kỹ thuật quản lý tại hiện trường sản xuất nên từ tháng 9/2009 cho tới nay, phối hợp cùng các cơ quan đối tác Việt Nam, JICA đã phái cử 16 tình nguyện viên cao cấp tới hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực như gia công kim loại, sản xuất khuôn mẫu, điện tử, khuôn đúc, máy móc công nghiệp… ở TP Hồ Chí Minh và khu vực lân cận.
Trao bằng khen cho 3 DN Việt Nam xuất sắc trong cải tiến hiện trường sản xuất. |
Các tình nguyện viên cao cấp đã tiến hành hỗ trợ các doanh nghiệp này thông qua truyền đạt những kỹ thuật chuyên môn và kinh nghiệm tại hiện trường sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản như quản lý chất lượng, quản lý sản xuất, quản lý qui trình sản xuất, quản lý hàng tồn kho, 5S.
Mới đây, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Nam (Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và JICA vừa phối hợp tổ chức hội thảo “Giới thiệu điển hình cải tiến tại hiện trường sản xuất” nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Tại hội thảo, ba công ty Việt Nam nhận được sự hỗ trợ từ tình nguyện viên Nhật Bản trong hoạt động cải tiến sản xuất là: Công ty cổ phần in nhãn hàng An Lạc; Công ty TNHH nhựa kĩ thuật Sakura; Công ty cổ phần Trực Quan đã giới thiệu những kết quả cải tiến đạt được nhờ áp dụng 5S, cải tiến qui trình quản lý sản xuất, giảm lượng hàng lỗi, nâng cao dịch vụ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.