(HNMCT) - Trước khi tới Jerusalem tôi đã đọc được một câu rằng: “Thế giới có mười phần đẹp thì Jerusalem vinh dự có được chín, mười phần thông thái thì Jerusalem giành lấy chín và mười phần khổ đau thì Jerusalem phải chịu chín”. Chỉ khi tới mảnh đất huyền thoại này tôi mới thật sự hiểu và thấm thía câu nói trên. Jerusalem là thành phố đặc biệt, là cội nguồn và cũng là nơi xảy ra xung đột lớn nhất của ba tôn giáo lớn trên thế giới.
Lịch sử bi hùng
Để hiểu vì sao Jerusalem đặc biệt đến thế, chúng ta phải quay ngược lại lịch sử, xem xét cả yếu tố huyền thoại và thực tế những gì đang diễn ra.
Theo Kinh Thánh, cách đây khoảng 5.000 năm, Thượng đế đã tạo ra mọi thứ, bao gồm cả con người. Vào một ngày, Thượng đế cho gọi Abraham - tổ phụ của người Do Thái và chỉ đường cho ông đi về Miền đất hứa. Vào thế kỷ X trước công nguyên (TCN), hậu duệ của Abraham là vua David đã chinh phục và biến Jerusalem trở thành thủ đô của vương quốc Israel. Sau đó, con trai của vua David, vua Solomon đã cho xây dựng đền thờ đầu tiên thờ Thượng đế trên đỉnh núi Moriah (ngày nay là Núi Đền) - nơi tập trung cao độ đức tin của người Do Thái.
Năm 586 TCN, đế quốc Babylon tiêu diệt Jerusalem và phá hủy ngôi đền thứ nhất đồng thời trục xuất người Do Thái ra khỏi Jerusalem. Người Do Thái phải lưu vong sang đất Babylon. 70 năm sau, người Do Thái trở lại và xây ngôi đền thứ hai cũng tại đây. Năm 70 sau Công nguyên, người La Mã đánh chiếm Jerusalem, phá hủy ngôi đền thứ hai và người Do Thái một lần nữa bị đuổi ra khỏi thành phố.
Còn theo Cơ đốc giáo, Chúa Jesus ra đời tại Bethlehem cách Jerusalem chỉ vài chục ki lô mét. Và cũng tại thành cổ Jerusalem, Chúa Jesus đã bị đóng đinh trên thập tự giá rồi phục sinh. Thành cổ này còn có nhà thờ Mộ Thánh mang ý nghĩa sâu sắc đối với hầu hết các giáo hội Cơ đốc.
Theo Kinh Koran, Jerusalem là một trong những nơi mà nhà tiên tri Muhammad ghé qua trong hành trình gặp đấng Allah. Trong truyền thống Hồi giáo, đây là thành phố quan trọng thứ ba, chỉ sau Mecca và Medina ở Ả rập Xê út. Đền thờ Al-Aqsa, một trong những đền thờ đầu tiên của người Hồi giáo, cũng nằm trong thành cổ Jerusalem.
Như vậy cả ba tôn giáo lớn nói trên đều xem Jerusalem là "thánh địa". Đối với người Cơ Đốc giáo, Jerusalem là nơi chúa Jesus qua đời và tại đây còn lưu lại nhiều thánh tích cổ. Người Hồi giáo xem Jerusalem là nơi nhà tiên tri Mohammed bay về trời và người theo Do Thái giáo xem Jerusalem là nơi chứa đựng bản sắc dân tộc Do Thái.
Jerusalem ngày nay
Jerusalem ngày nay được chia thành năm khu vực rõ rệt, gồm Núi Đền và bốn khu của cộng đồng Kitô giáo, Hồi giáo, Do Thái, Armenia.
Nơi linh thiêng nhất theo quan niệm của người Do Thái là Bức tường than khóc. Sau cuộc chiến tranh với La Mã, ngôi đền thứ hai của họ bị san bằng, chỉ còn lại một phần móng - chính là Bức tường than khóc ngày nay. Người Do Thái ngày nay vẫn tới đây để khóc than. Họ đứng, ngồi, úp mặt vào tường, ôm lấy bức tường và lầm rầm đọc kinh, cầu nguyện. Họ tin rằng Chúa trời nghe thấy lời nguyện của mình.
Ngay cạnh Bức tường than khóc là di tích quan trọng nhất của Jerusalem - Núi Đền. Tại đây, người Do Thái đã dựng ngôi đền thứ nhất và thứ hai; người Kitô giáo dựng nhà thờ và người Hồi giáo dựng đền thờ. Tâm điểm của Núi Đền là đền thờ Khối Đá của Hồi giáo với mái vòm màu vàng rực rỡ đặc trưng của Jerusalem. Đền thờ được xây trùm lên một khối đá mà người Hồi giáo cho rằng đó là Tảng đá khởi thủy, nơi tổ phụ Abraham hiến tế con trai mình cho Thượng đế, bên dưới có giếng Linh hồn. Đền thờ Khối đá không cho phép khách du lịch vào tham quan, chỉ có người Hồi giáo mới được vào cầu nguyện và làm lễ.
Tới Jerusalem, không thể bỏ qua nhà thờ Mộ Chúa hay nhà thờ Phục Sinh. Đó được cho là nơi Chúa Jesus bị đóng đinh vào thập giá. Ngay bên trong là tảng đá đánh dấu nơi hạ Jesus xuống từ thập giá. Những tín đồ Cơ đốc thường quỳ xuống, áp mặt hôn lên phiến đá đó và cầu nguyện. Trên tầng hai là nơi đặt ban thờ và bên trong là nơi thiêng liêng nhất: Mộ Chúa. Rất nhiều người theo đạo Cơ đốc và khách du lịch xếp hàng dài để được một lần quỳ dưới ban thờ và tỏ lòng thành kính.
Có thể nói, các công trình ở Jerusalem là sự va chạm giữa hai nền văn minh Đông - Tây từ suốt thời cổ đại cho tới hiện đại. Khu vực thành cổ của Jerusalem đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1981. Dù bạn có theo đạo hay không thì khi đứng trước Jerusalem, bạn sẽ cảm thấy trong tim mình rạo rực và xúc động trước lịch sử và sự linh thiêng của nơi này. Bạn sẽ thấy Jerusalem rất khác lạ và đáng để ghé thăm một lần trong đời.
Cẩm nang du lịch Jerusalem
Muốn thăm thú Jerusalem, bạn hãy lưu ý những thông tin sau:
Visa
Để tới được Jerusalem, trước tiên bạn phải có visa Israel. Bạn có thể xin qua dịch vụ của các công ty du lịch hoặc có thể tự nộp hồ sơ xin visa tại Đại sứ quán Israel ở Hà Nội. Hồ sơ gồm có: Hộ chiếu còn hạn trên 6 tháng và 2 ảnh 4x6 cm; vé máy bay, lịch trình du lịch và đặt phòng khách sạn tương ứng; hồ sơ công việc: Hợp đồng lao động, bảng lương 6 tháng và giấy xin nghỉ phép; chứng minh tài chính; bảo hiểm du lịch. Phí visa là 600.000 đồng.
Địa chỉ Đại sứ quán Israel tại Việt Nam: Tầng 10 - Tháp Hà Nội, số 49 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Vé máy bay
Từ Việt Nam không có chuyến bay thẳng tới Jerusalem. Bạn phải bay tới Tel Aviv, từ đó di chuyển tới Jerusalem. Bạn sẽ phải quá cảnh ở Dubai hoặc Thái Lan, Abu Dhabi, Bharain trước khi tới Tel Aviv... Giá vé khứ hồi dao động từ 800 USD đến 1.200 USD.
Tiền tệ
Tiền của Israel được gọi là New Israeli Shekel (NIS). Tỷ giá giữa USD và NIS là 1 USD = 3.7 NIS
Phương tiện di chuyển
Từ sân bay Ben Gurion, Tel Aviv có rất nhiều phương tiện đi tới Jerusalem như tàu cao tốc, xe buýt, taxi. Nếu bạn nhập cảnh vào Israel qua cửa khẩu đường bộ (từ Jordan hoặc từ Ai Cập) thì ở mỗi cửa khẩu sẽ có xe buýt công cộng tới Jerusalem.
Jerusalem khá nhỏ nên bạn hoàn toàn có thể đi bộ để khám phá thành phố.
Một số lưu ý
Các công trình ở Jerusalem đều là công trình tôn giáo trang nghiêm, vì vậy, bạn hãy ăn mặc lịch sự và kín đáo khi viếng thăm các nơi này.
Đa số phương tiện công cộng, nhà hàng, quán xá sẽ đóng cửa từ chiều thứ sáu cho tới hết ngày thứ bảy. Do vậy, bạn cần chú ý giờ mở cửa và đóng cửa của các di tích để sắp xếp thời gian tham quan phù hợp.
Khi vào một số nơi nhạy cảm như Núi Đền, chợ..., bạn có thể bị kiểm tra túi xách, áo khoác.
Tại sân bay Ben Gurion, khi rời khỏi Israel, du khách được kiểm tra rất kỹ, vì vậy, bạn hãy ra sân bay trước giờ bay tối thiểu là 4 tiếng.
Hồng Ngọc
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.