Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đã đề nghị Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Steve Witkoff đàm phán một thỏa thuận tạm thời về chương trình hạt nhân của Tehran, Axios đưa tin, ngày 24-4.
Theo hãng tin này, Bộ trưởng Araghchi chỉ ra rằng, các bên có thể không đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân trong khung thời gian do Tổng thống Donald Trump đề xuất.
Nhà ngoại giao hàng đầu Iran nói với Đặc phái viên Witkoff rằng, xét đến các chi tiết kỹ thuật của một thỏa thuận tiềm năng, sẽ rất khó để kết thúc các cuộc đàm phán trong vòng 2 tháng.
Về phần mình, ông Witkoff cho biết không muốn thảo luận về một thỏa thuận tạm thời lúc này. Thay vào đó, ông muốn tập trung vào việc đạt được một thỏa thuận toàn diện trong vòng 60 ngày.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Axios, ông Witkoff lưu ý, khi thời hạn đó đến gần, cả hai bên đều cảm thấy cần nhiều thời gian hơn nữa, họ có thể xem xét lại ý tưởng về một thỏa thuận tạm thời. Phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc đã phủ nhận thông tin của Axios trong một tuyên bố, trong khi Bộ Ngoại giao từ chối bình luận.
Các quan chức Mỹ thông báo, phái đoàn hai nước "đã đạt được tiến triển rất tốt" trong cuộc họp ở Rome, Italia cuối tuần trước. Tổng thống Donald Trump không nói chính xác thời hạn 60 ngày sẽ kết thúc khi nào, nhưng giới chức Mỹ nhận định thời gian đang cạn dần.
Ngày 19-4, vòng đàm phán gián tiếp thứ hai giữa Iran và Mỹ đã diễn ra tại Rome, do Oman làm trung gian. Theo Bộ trưởng Araghchi, hai bên đã đạt được sự hiểu biết tốt hơn về một số vấn đề. Các cuộc đàm phán tiếp theo đã được lên lịch vào ngày 26-4.
Liên quan đến vấn đề này, trong một phát biểu trên mạng xã hội X ngày 24-4, Bộ trưởng Araqchi cho biết, ông một lần nữa đề xuất giải pháp ngoại giao với bộ ba châu Âu (Pháp, Đức và Anh), bất chấp những thăng trầm gần đây trong quan hệ giữa Tehran và ba nước này.
Gọi tình trạng hiện tại là “cả hai bên đều thua”, ông Araqchi viết: “Mối quan hệ của Iran với E3 đã trải qua những thăng trầm trong lịch sử gần đây. Dù muốn hay không, hiện tại mối quan hệ này đang đi xuống. Tại sao? Mỗi bên đều có câu chuyện riêng của mình. Đối với tôi, đổ lỗi là một việc làm vô ích”.
Theo Axios, IRNA
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.