Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ipoh - quá khứ trong hiện tại

Thái Thịnh| 27/02/2023 11:55

(HNMCT) - Cách đây khoảng hai, ba chục năm, hỏi người Malaysia nào về Ipoh, họ sẽ nói với bạn rằng không ai đến Ipoh cả. Thủ phủ của tỉnh Perak không còn thịnh vượng như hồi đầu thế kỷ XX, khi mà ngành khai mỏ thiếc nơi đây phát triển rực rỡ. Mọi chuyện đã thay đổi trong những thập niên gần đây. Nhờ dòng người di cư mà Ipoh đã trở thành đô thị lớn thứ ba Malaysia và là một trong những trung tâm du lịch “hot” nhất quốc gia này.

Di tích lâu đài Kellie.

Bóng cũ

Ipoh bị cắt đôi bởi sông Kinta. Ở bên bờ tây sông là những con phố cổ, còn bờ đông là các phố mới. Giao thông ở Ipoh không quá đông đúc, du khách có thể thoải mái đi bộ tham quan những điểm đến trong thành phố. Tất cả các tuyến xe buýt đều đi qua trạm trung chuyển trên phố Jalan Tun Abdul Razak.

Du khách có thể tha thẩn trên những con phố cổ Ipoh trong cảm giác vừa quen, vừa lạ. Hai bên đường là những dãy nhà kiểu nửa Trung Quốc, nửa châu Âu đã ngả sắc vàng vì thời gian. Đôi khi không gian lại mở ra cho một biệt thự, thư viện, hay tòa nhà công vụ xây theo lối Anh nhưng đã được cải biến để phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Biển hiệu san sát, nhưng ở nhiều nơi người ta lại kính cẩn nhường chỗ cho tác phẩm của họa sĩ vẽ tranh tường - danh họa Ernest Zacharevic, người khởi xướng phong trào sáng tác bích họa ở Ipoh. Nhiều tác phẩm của anh đến nay vẫn được người dân địa phương lưu giữ cẩn thận.

Trong số những điểm đến không thể bỏ qua ở Ipoh có tháp đồng hồ cổ khánh thành năm 1909. Ngọn tháp trắng toát này được xây dựng để tưởng niệm James W. W. Birch, một quan chức thuộc địa người Anh bị ám sát tại Perak, từ đó châm ngòi cho cuộc chiến Perak và quá trình thâu tóm hoàn toàn Malaysia của Anh quốc. Vào các buổi sáng đẹp trời, du khách có thể ngắm nhìn kỹ bốn bức tranh điêu khắc trang trí bốn mặt tháp đồng hồ. Chúng miêu tả quá trình phát triển của văn hóa loài người và khắc họa không ít danh nhân như Khổng Tử, Lão Tử, Alexander Đại Đế, Galileo Galilei, Michelangelo...

Từ tháp đồng hồ, du khách có thể đi bộ đến nhà ga Ipoh. Đây là một trong ba nhà ga trung tâm lớn được người Anh xây dựng tại Malaysia. Công trình cổ kính mang lối kiến trúc đại diện cho phong cách thời Victoria với cấu trúc hình chữ “E”, mái vòm quả trứng và những hàng cột vuông. Người ta đặt ở quảng trường trước cửa nhà ga một đài tưởng niệm những cuộc chiến tại Malaysia.

Hai viện bảo tàng thú vị nhất ở Ipoh đều có liên quan đến ngành mỏ địa phương. Đầu tiên là bảo tàng Darul Ridzuan đặt trong dinh thự của một ông chủ mỏ thời xưa. Sau khi ông chủ mỏ bán nhà cho chính quyền thành phố, ngôi biệt thự được dùng làm văn phòng sở lao động trong nhiều năm. Phải đến năm 1992 thì nó mới được biến thành bảo tàng. Darul Ridzuan là nơi du khách đến để tìm hiểu về mọi khía cạnh của lịch sử Ipoh.

Viện bảo tàng thứ hai là Han Chin Pet Soo. Nơi này vốn là hội quán của những người thợ mỏ thiếc gốc Hoa, đến năm 2015 trở thành viện bảo tàng. Han Chin Pet Soo sở hữu một bộ sưu tập đồ sộ những kỷ vật liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người thợ mỏ xưa. Chưa hết, sân sau của tòa nhà đã được cải biến thành quảng trường mini để du khách chụp ảnh bên những kỷ vật và bức tranh tường miêu tả cuộc sống ở Ipoh tại thời điểm thịnh vượng nhất.

Tòa lâu đài của Kellie là một công trình lịch sử không dành cho những ai yếu bóng vía. Ngôi biệt thự tựa lâu đài này được khởi công bởi ông chủ đồn điền người Scotland William Kellie-Smith vào năm 1915. Lối kiến trúc kỳ quái của công trình cũng không lạ bằng câu chuyện xoay quanh nó. Tương truyền, những người thợ khi xây dựng lâu đài bị mắc dịch cúm Tây Ban Nha. Họ đề nghị Kellie xây một đền thờ cho các vị thần Hindu gần đó để được phù hộ. Đền xây xong, thợ còn đắp luôn lên mái một bức tượng Kellie nho nhỏ. Công trình được tiếp tục đến khi Kellie mất vào năm 1926 vì bị viêm phổi, còn vợ ông trở về Scotland. Khu biệt thự xây dang dở lại trở thành điểm thu hút khách du lịch và thậm chí từng là bối cảnh cho hai bộ phim “Anna and the King” và “Skyline Cruisers”.

Du khách nước ngoài thích thú trước các bức tranh tường ở Ipoh.

Con người trong thiên nhiên

Vì có cộng đồng người Hoa đông đảo nên Phật giáo rất phát triển ở Ipoh. Không quá xa thành phố là nhiều ngôi chùa xây trong hang đá. Có thể kể đến chùa hang Perak đặt trên đỉnh ngọn đồi cùng tên. Trong hang có 40 tượng Phật, gồm cả bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni lớn nhất Malaysia. Hay khu chùa Sam Poh gồm ba ngôi chùa hang khác nhau Ling Sen, Nam Thean, Sam Poh. Du khách sẽ mỏi chân khi phải cuốc bộ leo núi thăm chùa, nhưng cảnh tượng có một không hai chắc chắn sẽ khiến mọi mệt mỏi tiêu tan.

Cách ngoại ô Ipoh không xa là Gua Tempurung, hang đá vôi lớn nhất nhì Malaysia. Du khách nên dành hẳn một ngày để thăm thú kỳ quan tự nhiên này. Nhờ có hệ thống đường và cầu treo đầy đủ mà du khách có thể dễ dàng đi bộ từ đầu này đến đầu kia hang trong khi ngắm nhìn những tảng thạch nhũ vui mắt. Những người ưa mạo hiểm có thể lội qua dòng sông nhỏ chảy qua hang. Du khách cũng có thể phải bì bõm lội qua chỗ nền hang sụp hay len mình qua những ngóc ngách chỉ đủ chỗ cho một người. Tuy nhiên, chuyến thám hiểm có phần “thót tim” này chỉ được tổ chức với những đoàn khách có từ 8 người trở lên.

Khách đến thăm Ipoh có hai sự lựa chọn về công viên giải trí, đó là Công viên nước The Lost World of Tambun và Công viên tự nhiên Gunung Lang. Tỉnh Perak là mảnh đất của núi và sông, không thiếu những thác, hồ nước tuyệt đẹp. Hai công viên dựa vào thế mạnh này để đem đến cho du khách những trải nghiệm du lịch tự nhiên tuyệt vời. Đặc biệt, ở The Lost World of Tambun còn có suối nước nóng với hàm lượng lưu huỳnh cao, rất tốt cho những người bị bệnh ngoài da hay muốn hồi phục thể lực sau khi ốm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ipoh - quá khứ trong hiện tại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.