(HNM) - Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa chính thức thông báo thủ đô mới của Indonesia sẽ được đặt ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo, kết thúc nhiều tháng suy đoán về trung tâm hành chính mới của quốc gia Vạn đảo.
Kế hoạch di dời thủ đô của Indonesia lần đầu tiên được Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia đưa ra vào đầu tháng 4-2019. Sau đó, vấn đề này được Tổng thống J.Widodo nêu ra trong thông điệp liên bang trước Quốc hội vào ngày 16-8 vừa qua nhân kỷ niệm 74 năm Ngày độc lập của Indonesia. Tuy nhiên, ý tưởng về việc xây dựng thủ đô mới đã được thảo luận từ nhiều thập kỷ trước. Song, điều đó đã trở nên cấp bách dưới thời của Tổng thống J.Widodo khi thủ đô hiện tại Jakarta nằm trên đảo Java ngày càng chịu tác động tiêu cực từ tình trạng quá tải dân số dẫn tới nhiều hệ lụy, trong đó có nạn tắc đường triền miên.
Được chọn là thủ đô của Indonesia từ năm 1949, Jakarta là trung tâm tài chính và cũng là khu vực đông đúc và chật chội nhất ở nước này. Sự phát triển mạnh mẽ của thành phố trong những năm gần đây gây áp lực lớn lên hạ tầng, tạo ra vô số những quan ngại về môi trường, kinh tế và an toàn cho người dân. Jakarta là nơi sinh sống của hơn 10 triệu dân và con số này lên tới 30 triệu người nếu tính toàn bộ đô thị vệ tinh. Một vấn đề nghiêm trọng khác là 40% diện tích thành phố đang nằm dưới mực nước biển và nhiều khu vực tiếp tục chìm thêm 20cm mỗi năm.
Trong bối cảnh đó, với diện tích 743.300km2, Borneo là đảo lớn thứ ba thế giới và lớn nhất ở châu Á. Tỉnh Đông Kalimantan nằm ở phía Đông hòn đảo là nơi có nhiều rừng cây với dân số 3,5 triệu người và diện tích 129.000km2, cách Jakarta khoảng 1.300km về phía Đông Bắc. Kể từ khi Indonesia mở cửa lĩnh vực khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên cho đầu tư nước ngoài từ những năm 1970, Đông Kalimantan đã trải qua quá trình tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực đồ gỗ, dầu khí và lâm sản.
Chính phủ Indonesia muốn bắt đầu chuyển tới thủ đô mới từ năm 2024, thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống J.Widodo. Đất nước Vạn đảo cũng dự định chi 33 tỷ USD cho kế hoạch này và sẽ học tập mô hình quản lý của Seoul (Hàn Quốc), sắc xanh của Singapore và sự tách biệt giữa quản trị và kinh doanh của Washington (Mỹ). Trong tương lai, thủ đô mới sẽ đóng vai trò là trung tâm của chính phủ, còn Jakarta vẫn là trung tâm kinh tế và tài chính của Indonesia. Việc "dời đô" có thể mở ra cơ hội phát triển mới cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á cũng như cân bằng sự phát triển chênh lệch ở nước này.
Sau khi kế hoạch được công bố, không khí lạc quan bao trùm đảo Borneo. Người dân địa phương tin rằng quyết định của chính phủ sẽ giúp các trường học trong khu vực tốt hơn, đường sá được trải nhựa sạch sẽ hơn, nước sạch được cung cấp và lưới điện ổn định. Tuy nhiên, sự hào hứng cũng đi kèm nhiều quan ngại như tình trạng đầu cơ sẽ đẩy giá đất lên cao, nhiều người dân từ nơi khác đến cạnh tranh việc làm và môi trường ô nhiễm hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.