Đây là tàu cá nước ngoài thứ 4 và thứ 5 bị lực lượng hải quân Indonesia đánh chìm trong 3 tháng qua kể từ khi Tổng thống Joko Widodo nhậm chức.
Theo Daily Mail, 2 tàu cá nước ngoài mang cờ Papua New Guinea hoạt động bất hợp pháp ở vịnh Ambon của Indonesia đã bị lực lượng hải quân nước này cho nổ tung hôm 21/12.
Hai tàu cá nước ngoài treo cờ Papua New Guinean bị lực lượng hải quân Indonesia cho nổ tung hôm 21/12 |
Hai tàu cá trên và chủ sở hữu của các tàu này đã bị tòa án ở Ambon kết tội đánh trộm cá trong vùng biển của Indonesia.
"Chúng tôi phải đánh chìm tàu cá nước ngoài để tàu cá khác phải suy nghĩ kỹ trước khi đánh bắt trộm trong lãnh thổ của chúng tôi", phát ngôn viên hải quân Indonesia Commodore Manahan Simorangki nói.
Hai tàu cá nước ngoài trên mang 63 tấn cá và tôm. 62 thuyền viên, chủ yếu là người Thái Lan đã bị bắt giữ vào giao cho cơ quan nhập cư.
Những thuyền viên bị lực lượng hải quân Indonesia bắt giữ hôm 7/12 vừa qua gần biên giới biển của Indonesia và Papua New Guinea.
Hai tàu này đã bị rút hết toàn bộ nhiên liệu trước khi cho nổ tung để tránh ô nhiễm môi trường, theo Daily Mail. Hơn 6 tàu nước ngoài khác đang đối mặt với cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia và nó có thể chịu chung số phận với 2 tàu cá trên.
Trước đó, ngày 18/11 vừa qua, tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố, bất cứ tàu nước ngoài nào xâm phạm lãnh hải nước này để ăn cắp cá và các nguồn lực khác sẽ bị lực lượng hải quân nước này đánh chìm.
Tuyên bố cứng rắn của ông Widodo được đưa ra sau khi truyền thông Indonesia nói các vụ đánh bắt trái phép trong vùng biển của nước này khiến Indonesia phải chịu thiệt hại rất lớn về kinh tế.
"Đánh chìm nó ngay lập tức. Hãy đánh chìm 100 tàu cá đánh bắt bất hợp pháp để những tàu khác không dám làm vậy nữa", ông Widodo tuyên bố tại Dinh Tổng thống của mình.
Tuy nhiên, Tổng thống Widodo cũng ra lệnh sơ tán tất cả các thuyền viên và những người có mặt trên tàu trước khi đánh chìm, theo Tân Hoa Xã.
Chính sách này được cho là để bảo vệ tài nguyên biển của Indonesia 'khỏi bị khai thác bất hợp pháp'.
Tổng thống Widodo nói hàng năm có khoảng hơn 5.400 tàu khai thác trái phép tài nguyên biển của Indonesia. Điều đó làm nước này bị tổn thất một khoản tài chính khoảng 300 tỷ rupiah (tương đương 24.712 tỷ USD) mỗi năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.