(HNMO) - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống dưới 3% vào năm 2023 và duy trì ở mức khoảng 3% trong 5 năm tiếp theo.
Theo Reuters, dự báo kể trên là mức tăng trưởng trung hạn thấp nhất kể từ năm 1990 và dưới mức trung bình 3,8% từng được ghi nhận trong hai thập kỷ vừa qua. Năm 2022, tăng trưởng toàn cầu đã giảm gần một nửa, từ mức phục hồi 6,1% ở năm trước đó xuống còn 3,4%.
Tổng Giám đốc IMF tuyên bố, các chính sách tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ trong nỗ lực ứng phó với những tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19 và xung đột ở Ukraine đã giúp ngăn chặn viễn cảnh đáng lo ngại hơn.
Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức thấp do ảnh hưởng của lạm phát dù thị trường lao động và nhu cầu tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ. Cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Thụy Sĩ và Mỹ cũng đã bộc lộ những lỗ hổng tài chính khiến kinh tế thế giới đối mặt rủi ro suy thoái cao.
“Căng thẳng địa chính trị gia tăng, lạm phát vẫn ở mức cao và quá trình phục hồi khó nắm bắt tác động đến những quốc gia dễ bị tổn thương nhất”, bà Georgieva cho biết.
Tổng Giám đốc IMF cũng nhận định, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ chiếm một nửa mức tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023. Khoảng 90% các nền kinh tế tiên tiến sẽ có tăng trưởng suy giảm trong năm nay.
Trong khi đó, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người tại các quốc gia thu nhập thấp, chịu gánh nặng bởi lãi suất vay cao và xuất khẩu giảm sẽ thấp hơn so với các nền kinh tế mới nổi.
Bà Georgieva kêu gọi các ngân hàng trung ương tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát, đồng thời giải quyết những rủi ro trong ổn định tài chính thông qua thanh khoản phù hợp.
Về cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây, bà Georgieva cho rằng, vụ việc đã chỉ ra những thất bại trong quản lý rủi ro và giám sát. Do đó, điều quan trọng là tăng cường giám sát rủi ro tại các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng, cũng như những điểm yếu trong các lĩnh vực như bất động sản thương mại
Để thúc đẩy triển vọng tăng trưởng, bà Georgieva kêu gọi thực hiện nhiều bước thay đổi lớn, bao gồm chi tiêu ước tính 1.000 tỷ USD/năm cho năng lượng tái tạo và kế hoạch ngăn sự phân mảnh của kinh tế thế giới có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu giảm 7%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.