Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Ðiểm sáng'' Thanh Trì

Bài và ảnh: Ðinh Hồng| 17/04/2023 06:23

(HNNN) - Tại hội nghị giao ban quý I-2023 Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy, huyện Thanh Trì được biểu dương vì đạt kết quả cao trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao với 14 xã đạt chuẩn. Như vậy, cùng với 1 xã đã hoàn thành năm 2021, huyện Thanh Trì đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Kết quả trên giúp Thanh Trì hoàn thành kế hoạch trước 2 năm và vượt chỉ tiêu huyện đề ra. Kinh nghiệm trong triển khai thực hiện ở Thanh Trì là bài học để các địa phương khác trên địa bàn thành phố học tập, nhân rộng.

Một hồ nước ở thôn Đông Trạch (xã Ngũ Hiệp) đang được kè bờ và cải tạo.

“Về đích” trước 2 năm

Hữu Hòa là 1 trong 14 xã của huyện Thanh Trì hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022. Dạo một vòng quanh xã sẽ thấy sự đổi thay của làng quê nơi đây. Giao thông quanh làng và các ngõ xóm đều được bê tông hoặc trải nhựa, có biển chỉ dẫn; các thôn đều có nhà văn hóa khang trang, đạt chuẩn; trường học công lập 3 cấp đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1... Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tá Cường, trong 10 năm qua (từ 2012 - 2022), xã Hữu Hòa làm chủ đầu tư 51 dự án, công trình với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Từ đây, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay...

Bí thư Chi bộ thôn Hữu Từ (xã Hữu Hòa) Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ thêm: “Trước kia, môi trường ở thôn rất ô nhiễm. Khi triển khai xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, thôn đã cải tạo ao, hồ thành khuôn viên đẹp. Có ao, hồ trở thành hồ bơi cho trẻ em. Hiện cả 6 xóm của thôn đều có các điểm vui chơi công cộng, trong đó 4 xóm có dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời. Chung sức xây dựng nông thôn mới, nhân dân cũng đã tự nguyện tham gia xã hội hóa trang thiết bị nhà văn hóa”.

Cũng như xã Hữu Hòa, ở xã Tam Hiệp cũng có sự thay đổi mạnh mẽ trong thời gian qua. Từ năm 2012 đến năm 2020, xã đã thực hiện 17 dự án xây dựng hạ tầng; giai đoạn 2021 - 2025, xã tiếp tục triển khai thực hiện 5 dự án, trong đó đã có 4 dự án hoàn thành với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Bí thư Đảng ủy xã Tam Hiệp Phạm Tiến Đạt cho biết, xã đã hoàn thiện 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao năm 2022. Hiện nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt hơn 68 triệu đồng/người/năm; trên địa bàn xã không có hộ nghèo...

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Thanh Trì luôn nằm trong tốp đầu của thành phố. Năm 2017, Thanh Trì là 1 trong 3 huyện đầu tiên của thành phố được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2019, huyện Thanh Trì tiếp tục được thành phố giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng huyện thành quận, xã thành phường, cùng với đó là hoàn thiện các tiêu chí theo chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm 2022, thành phố giao chỉ tiêu cho huyện có 2 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, Thanh Trì đã chỉ đạo cả 14/15 xã còn lại cùng thực hiện (trước đó năm 2021, huyện đã có xã Liên Ninh đạt nông thôn mới nâng cao). Kết quả, cả 14 xã này đều được Đoàn thẩm định của thành phố đánh giá đạt đủ điều kiện trình thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Với kết quả này, huyện Thanh Trì có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao - vượt chỉ tiêu kế hoạch của huyện và chỉ tiêu thành phố (trước đó, kế hoạch và chỉ tiêu huyện đăng ký với thành phố đến năm 2025 có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).

Việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao ở các xã giúp diện mạo nông thôn huyện Thanh Trì khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại. Đến nay, tỷ lệ trường học công lập đạt chuẩn quốc gia của huyện đã đạt 64/73 trường (87,6%). Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng. Đến nay, huyện đã kè được 20 ao hồ tại các xã Hữu Hòa, Yên Mỹ, Tứ Hiệp, Vĩnh Quỳnh, Ngũ Hiệp, Đại Áng, Đông Mỹ...; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đô thị đạt 97%... Cơ cấu kinh tế huyện phát triển đúng hướng: Công nghiệp - xây dựng chiếm 53,3%, thương mại dịch vụ chiếm 42,7% và nông nghiệp, thủy sản chiếm 4%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 68,7 triệu đồng.

Đặc biệt, với cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng địa phương, mô hình nông thôn mới nâng cao ở mỗi xã của huyện Thanh Trì đều mang bản sắc riêng, phát huy được thế mạnh vốn có. Ví như, các xã Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Thanh Liệt... phát triển thế mạnh về công nghiệp, thương mại dịch vụ; các xã Duyên Hà, Yên Mỹ, Vạn Phúc, Tả Thanh Oai... duy trì các mô hình kinh tế nông nghiệp, vùng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản tập trung gắn với xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; xã Tân Triều phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp dựa trên làng nghề truyền thống...

Bài học kinh nghiệm quý

Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng Chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, so với các xã được thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022 của thành phố, các xã của huyện Thanh Trì đạt kết quả nổi bật nhất, các tiêu chí đều có số điểm gần như tuyệt đối. Đó là sự ghi nhận đối với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã và của huyện Thanh Trì.

Xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Thanh Trì đã tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đến 15/15 xã với phương châm: “Vừa làm vừa rút kinh nghiệm”; xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, bám sát các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và xã phát triển thành phường. Huyện đã xây dựng đề án Củng cố sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp; đề án trong lĩnh vực văn hóa; đề án ứng dụng công nghệ tin học tiến tới xây dựng nền hành chính hiện đại; đề án trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, kết quả có được trong năm 2022 là nhờ chặng đường dài từ nhiều năm trước huyện đã nỗ lực, tập trung nâng cấp hạ tầng, nâng cao đời sống của người dân. Chính vì vậy, khi Chính phủ và thành phố Hà Nội ban hành bộ Tiêu chí đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, soi chiếu với bộ tiêu chí, các xã trên địa bàn huyện Thanh Trì đều cơ bản đạt. Đặc biệt, 2022 là năm huyện có sự bứt phá quan trọng trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao nhờ triển khai đồng bộ tất cả các kế hoạch, giải pháp.

Huyện Thanh Trì xác định, sự vào cuộc của người dân có vai trò then chốt để thực hiện các phần việc cụ thể, phù hợp với từng địa bàn dân cư; chính quyền cơ sở đóng vai trò thúc đẩy, hỗ trợ những nội dung, phần việc mà người dân không tự thực hiện được. Chính vì vậy, người dân được tuyên truyền, vận động chủ động tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới từ việc giữ vệ sinh môi trường đến phát triển sản xuất, bảo tồn bản sắc văn hóa ở địa phương.

Huyện cũng đã biết cách khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tự hào về quê hương, khích lệ tinh thần đoàn kết, thống nhất, tạo sự đồng thuận rất cao trong người dân. Việc xây dựng nông thôn mới của Thanh Trì gắn với phát triển từ huyện lên quận, tạo ra bộ khung đô thị văn minh, hiện đại. Đây cũng là bước đi căn cơ, góp phần giải quyết những vấn đề chuyển tiếp giữa đô thị và nông thôn, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của làng quê trong mô hình phố phường tương lai.

Với nhiệm vụ mà thành phố giao trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Thanh Trì có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có giải pháp thực hiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện cũng tập trung xây dựng mô hình “thôn thông minh” để phấn đấu đến hết năm 2023 Thanh Trì có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu thành phố giao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Ðiểm sáng'' Thanh Trì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.