Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Ðiểm sáng'' Bình Dương

Bài và ảnh: Hà Phạm| 18/09/2022 05:02

(HNNN) - Từ hơn 10 năm nay, tỉnh Bình Dương luôn quan tâm phát triển nhà ở xã hội để bán với mức giá phù hợp, kết hợp với chính sách hỗ trợ cho vay lãi suất thấp để người lao động có thu nhập thấp có thể sở hữu căn nhà, an tâm lập nghiệp. Điều này đã đưa Bình Dương trở thành “điểm sáng” của cả nước về công tác đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.

Một căn hộ nhà ở xã hội ở phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một.

Mong ước thành hiện thực

Đối với lao động xa quê, khi chọn Bình Dương lập nghiệp, mơ ước lớn nhất là có một căn nhà để ổn định cuộc sống. Những năm qua, chương trình xây dựng nhà ở xã hội tại đây đã giúp ước mơ của hàng chục ngàn lao động xa quê trở thành hiện thực.

May mắn mua được căn nhà ở xã hội Becamex Định Hòa (phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một) năm 2015, chị Phan Thị Kiều Linh (36 tuổi, quê ở Vĩnh Long, làm việc tại Khu công nghiệp VSIP 1, tỉnh Bình Dương) chia sẻ: “Thời điểm đó, chỉ cần đủ các điều kiện như đang làm việc tại địa phương, có hợp đồng lao động và bảng lương, có đóng bảo hiểm xã hội và chưa sở hữu nhà đất ở Bình Dương là đăng ký mua được. Sau đó, chủ đầu tư sẽ hướng dẫn các bước để có thể sở hữu căn nhà. Mong rằng sẽ có thêm nhiều người lao động được mua nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc”.

Cũng sở hữu được căn hộ với giá ưu đãi, anh Vũ Lâm Hải (41 tuổi, quê ở Quảng Trị, đã làm việc nhiều năm tại thành phố Thuận An) cho hay, khi mới vào lập nghiệp ở Bình Dương, bản thân không dám mơ có một ngày mình làm chủ được căn hộ riêng, bởi với thu nhập khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng rất khó có thể tiếp cận. “Sau 5 năm làm việc cật lực và lập gia đình, năm 2017, vợ chồng tôi đã có được suất mua nhà ở xã hội. Hiện căn hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và được nhập hộ khẩu, trở thành công dân tỉnh Bình Dương” - anh Hải vui sướng nói.

Thế nhưng, không phải người lao động nào cũng có được may mắn như chị Linh hay anh Hải vì việc mua nhà ở xã hội hiện nay khó khăn hơn nhiều. Đơn cử như vợ chồng chị Đậu Thị Hoa (công nhân ở Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II) kể: Cuối năm 2021, khi biết thông tin về dự án khu nhà ở xã hội VietSing ở thành phố Thuận An chuẩn bị khởi công, vợ chồng chị lập tức đăng ký. Tuy nhiên, đến nay, dù đăng ký vài lần nhưng chị vẫn không lọt được vào danh sách người mua nhà. “Mong rằng chính quyền tỉnh Bình Dương có các giải pháp linh hoạt, tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận và mua nhà ở xã hội để chúng tôi yên tâm cống hiến, làm việc lâu dài” - chị Hoa bày tỏ nguyện vọng.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút đầu tư 86 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích sử dụng đất khoảng gần 200 hecta, tương đương khoảng 3,9 triệu mét vuông sàn xây dựng. Thế nhưng, số lượng vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thực tế. Có rất nhiều lao động vẫn còn sống trong những khu nhà trọ không gian nhỏ hẹp, ẩm thấp.

Nói về nguyên nhân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Nguyễn Ngọc Văn cho biết, nhu cầu về chỗ ở của công nhân rất lớn nhưng các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến việc phát triển loại hình nhà ở này. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi và thủ tục đầu tư chưa thật sự hấp dẫn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư phân khúc này. Đặc biệt, nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế, dẫn đến việc một số chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định của pháp luật thực hiện chưa kịp thời.

Nhiều dự án nhà ở xã hội sẽ được xây dựng

Được UBND tỉnh Bình Dương tin tưởng và giao trách nhiệm, những năm qua, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC) là đơn vị đi đầu trong việc phát triển nhà ở xã hội tại địa phương. Sau 10 năm triển khai xây dựng ở nhiều địa phương như Thuận An, Thủ Dầu Một, Bến Cát, Bàu Bàng..., đề án nhà ở xã hội Becamex với quy mô 65.000 căn, hiện đã xây dựng hoàn thành 47.500 căn, đạt 74% kế hoạch của đề án. Becamex IDC tiếp tục mở rộng giai đoạn tiếp theo với tổng số 118.234 căn nhà ở xã hội, tạo cơ hội an cư cho hàng trăm ngàn lao động.

Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Bình Dương Giang Quốc Dũng cho biết, sở dĩ người lao động có thu nhập thấp sở hữu được nhà ở xã hội Becamex IDC vì có mức giá phù hợp. “Ngay từ đầu, mục tiêu đề ra là hỗ trợ giải quyết chỗ ở cho người lao động đến Bình Dương làm việc, gắn bó lâu dài. Do đó, Becamex IDC quyết tâm hạ giá thành tối đa bằng việc lựa chọn quỹ đất đã được chuyển mục đích sử dụng để triển khai các dự án, giá bán căn hộ chỉ là giá trị xây dựng và các hạ tầng khác chứ hoàn toàn không tính giá đất. Đây là cách làm chưa từng có nhằm bảo đảm mức giá bán hợp lý, phù hợp với thu nhập của người lao động. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ về tài chính thông qua việc liên kết với các ngân hàng giúp người lao động mua nhà ở xã hội tiếp cận các gói vay ưu đãi, trả chậm trong thời gian dài” - ông Dũng thông tin.

Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2023, Becamex IDC tiếp tục xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn tiếp theo tại khu VietSing (thành phố Thuận An), khu Định Hòa (thành phố Thủ Dầu Một), khu Mỹ Phước (thị xã Bến Cát), khu Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng), với tổng mức đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng. Giai đoạn này, giá bán khá đa dạng, mỗi căn (30m2 trở lên) khoảng 120 - 280 triệu đồng; loại cao cấp hơn có giá từ 200 - 500 triệu đồng/căn. Ngoài ra, người lao động có thể thuê với giá 750.000 đồng/căn/tháng, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người lao động.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, người lao động tiếp cận dễ hơn với loại hình nhà ở này, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Võ Hoàng Ngân cho biết, Sở sẽ rà soát, xem xét lại các quy định pháp luật khi thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội, rút gọn các thủ tục hành chính và thời gian phê duyệt dự án. “Khi có dự án mới sẽ công bố thông tin trên website của các đơn vị như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Chính sách xã hội... Riêng về đối tượng được mua, sau khi chủ đầu tư ký hợp đồng với người mua thì phải thông qua Sở Xây dựng để lấy ý kiến của các cơ quan liên quan. Sau đó sẽ công khai và xét duyệt hồ sơ. Cơ quan chức năng liên quan sẽ kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm bán đúng đối tượng” - ông Võ Hoàng Ngân khẳng định.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ xem xét tiếp tục bổ sung nguồn vốn cho các đối tượng được vay ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, mua nhà ở xã hội. Cùng với đó là xem xét nâng thời gian cho vay từ 20 năm trở lên, có chính sách cho vay thoáng hơn về thủ tục, lãi suất, thời gian vay để giúp các đối tượng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay để mua, thuê nhà ở xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Ðiểm sáng'' Bình Dương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.